CHIA SẺ

buddha trê

 

Trước khi bắt đầu pháp thiền chữa lành trong Phần Hai, sẽ rất có ích nếu chúng ta xem xét một số vấn đề và lời khuyên về việc chúng ta có thể khuyến khích bản thân ra sao trong việc thiền định.

 Một vài chuẩn bị

Ngồi đúng tư thế. Hãy ngồi theo cách giúp cho cơ thể thoải mái và tinh thần tỉnh giác. Sẽ có ích nếu chúng ta giữ cho cột sống thẳng và giữ cho phần trên của cơ thể thẳng đứng như thể bạn đang nhẹ nhàng kéo nó lên vậy.

Nếu cột sống của bạn thẳng, hơi thở sẽ ra vào tự nhiên, dòng năng lượng không bị cản trở và sự tập trung tinh thần của bạn không bị gián đoạn. Nếu bạn ngồi trên ghế, lòng bàn chân nên thả lỏng, chạm hẳn vào sàn nhà nếu được. Nó giúp bạn được tiếp đất. Nếu dựa vào đâu đó, bạn sẽ không đạt được lợi ích trừ phi bạn cần phải dựa. Đừng giữ bất kỳ vật nào trong lòng bạn vì nó sẽ gây mất tập trung.

Quyết định mắt nhắm hay mở. Tốt hơn hết là để cho mắt được mở vì nó giúp bạn dễ tỉnh táo và sáng sủa.

Tuy nhiên, nếu bạn chưa phải là một người tu thiền thành công thì sẽ dễ dàng hơn và phù hợp hơn nếu bạn giữ cho mắt nhắm và nó sẽ ngăn bạn nhìn hay bị phân tán bởi những đối tượng hay cử động vật lý.

Vì vậy, mắt bạn có thể đóng hoặc mở, tùy vào nhu cầu của bạn. Nếu bạn chọn cách thiền mở mắt, hãy cố gắng mở một nửa và nhìn vào điểm cách chóp mũi khoảng 2 foot.

Thả lỏng các cơ. Nếu bạn cảm thấy căng mỏi, hãy từ từ, nhẹ nhàng thả lỏng các cơ bàn tay và sau đó là cơ trên toàn thân. Vừa thả lỏng vừa cảm nhận các cơ giãn ra. Hãy hưởng thụ cảm giác thư thái thoát khỏi sự căng cứng và lặp lại một vài lần nếu bạn thích.

Thở tự nhiên. Thở bình thường và tự nhiên sẽ trợ giúp rất nhiều cho việc thiền định. Sự thư thái sẽ được sâu hơn nếu bạn thả lỏng cơ bụng, để cho hơi thở tự do đi vào vùng cơ hoành. Ngoài ra, giữ cho mồm hơi mở, ngay cả khi thở bằng mũi, sẽ giúp thư thái hơn.

Các kỹ thuật thở khác nhau tùy theo mục đích thiền cho dù là để duy trì một trạng thái quán tưởng hay kích thích dòng năng lượng di chuyển. Thường là bạn thích hơi thở tự nhiên, thoải mái thúc đẩy tâm an bình.

Nếu cảm thấy hơi thở ngột ngạt hoặc khó chịu trong khi thiền, hãy thực hiện một trong các bài tập sau đây:

– Tập trung vào hai khía cạnh của hơi thở, hít vào và thở ra, hít ngắn hơn, thở ra dài hơn. Hoặc hãy đếm hơi thở. Một bài tập thư giãn đặc biệt đó là đơn giản tập trung vào hơi thở ra. Việc này giúp bạn giải tỏa căng thẳng và giải phóng hơi thở.

– Nếu hơi thở của bạn có vẻ không được sâu, hãy nhận biết cảm giác hơi thở đang bị tắc. Đừng cố làm gì mà chỉ theo dõi cảm giác đó. Sau đó thở ra một hơi thật dài và nghĩ, cảm thấy sự co thắt hoàn toàn biến mất và tắc nghẽn hoàn toàn bị thổi bay, giống như xả vòi nước vậy. Cảm nhận và tin rằng hơi thở của bạn đang di chuyển một cách tự nhiên.

Trong các bài thiền tập, bạn sẽ tìm hiểu về kỹ thuật thở mang đến cho cơ thể những làn sóng năng lượng. Đây là một phương pháp tuyệt vời để di chuyển hơi thở một cách tự do và mở rộng thân tâm đến với sự chữa lành.

Một số lời khuyên cho việc thiền định

Trong khi thiền, nếu bạn trải qua những cảm giác không thoải mái – áp lực, nghẹt thở, lo lắng hay đau đớn – bạn có thể sử dụng một số bài tập mà bạn thấy phù hợp sau đây:

– Hít thở vài hơi thật sâu và tống cảm giác lo lắng, khó chịu ra cùng hơi thở. Cảm nhận sự an bình.

– Hãy gửi cảm giác này đi ra cùng hơi thở dưới dạng những đám mây đen tan loãng vào bầu trời rộng mở, rỗng rang và trong trẻo.

– Nghĩ về từ “sự vô biên” và cảm nhận về nó.

– Nghĩ và cảm nhận rằng cơ thể bạn là không có giới hạn, ngay cả những tế bào cũng không có giới hạn. Hãy để cho hơi thở được thư giãn trong cảm giác vô biên, giống như hơi thở của bạn hoàn toàn tự do, không giới hạn, ngăn che.

– Nghĩ và cảm nhận rằng tất cả các tế bào đang hô hấp, hít vào thở ra qua các lỗ chân lông trên cơ thể bạn.

– Hãy nhận biết bất kỳ cảm thọ khó chịu nào theo hướng cởi mở, không đánh giá và muốn đẩy nó đi hoặc bám vào nó. Hãy tiếp tục thở tự nhiên và duy trì trạng thái nhận biết. Một sự nhận biết cởi mở được coi là một dạng chữa lành và có thể giúp bất cứ ai trong khi hành thiền cũng như trong phần còn lại của cuộc sống.

– Nếu bạn thấy mình như đang lơ lửng, hãy tưởng tượng cơ thể mình đang ngập tràn nguồn ánh sáng mang đặc tính nặng. Dù ánh sáng này không có thực, chúng ta vẫn có thể nghĩ nó nặng theo cách không khí được đo bởi độ ẩm hoặc cách bầu khí quyển của trái đất tạo ra áp suất khí quyển. Hoặc chỉ cần duy trì sự nhận biết mở rộng về cảm giác lơ lửng mà không đánh giá, lo lắng hay bám chấp.

Trong quá trình thiền

Mọi người thường hỏi tôi về độ dài và mức độ thường xuyên của việc hành thiền. Không có một cách nào phù hợp cho tất cả mọi người. Càng dành nhiều hơn thời gian thì càng tốt, nhưng còn tùy vào nhu cầu và khả năng mỗi người. Nếu bạn đòi hỏi thời gian và năng lượng của mình, việc nỗ lực hành thiền có thể nặng nề thêm. Vì vậy, bạn nên thiền ở mức có thể nhưng miễn sao bạn thấy thoải mái là được.

Nói chung, việc tập thiền bắt đầu với một giai đoạn trong đó bạn để cho tâm làm quen với bài thực hành này. Sau khi có nền tảng rồi thì vấn đề là duy trì và đổi mới thói quen của một tâm thức an bình hơn.

Trong giai đoạn làm quen, có thể có hai cách sau đây:

  1. Nếu bạn đang thiền một cách từ từ và thoải mái, điều quan trọng là thực hành ít nhất được vài giờ mỗi ngày trong vài tháng.
  2. Nếu bạn đang thiền định ở mức sâu hơn, bạn có thể phù hợp với việc thiền định nhiều giờ mỗi ngày trong vài tuần. Nếu bạn chưa từng hành thiền và thấy bản thân có sự vật lộn thì phương pháp từ từ sẽ tốt hơn.

Khi bạn đang duy trì sự thực hành, tốt nhất là hành thiền mỗi ngày hoặc ít nhất là cách ngày. Nếu không, bạn sẽ mất đi tính liên tục mà mình đạt được nhờ phương pháp thiền định trước kia của mình. Dành nhiều thời gian thì luôn tốt hơn, nhưng thực tập trong 30 phút mỗi ngày hay hàng ngày hoặc cách ngày đảm bảo tính liên tục và tăng sức mạnh chữa lành cho thiền định.

Dù bạn có kinh nghiệm gì, nếu bạn thiền định trong nhiều giờ, hãy nghỉ giải lao trong vòng 5 phút hoặc nửa tiếng, 1 giờ. Nó sẽ giúp cho bạn được tỉnh táo, sáng suốt và tràn đầy năng lượng. Trong khi giải lao, đừng để cho mình bị loạn tâm, chẳng hạn như nói chuyện với mọi người hay xem ti vi. Thay vào đó, hãy làm việc gì đó giúp giảm bớt bất kỳ sự mệt mỏi tinh thần hoặc thể chất nào do việc ngồi thiền và tập trung tinh thần gây ra. Bạn có thể nhìn lên bầu trời rộng mở, hít vài hơi trong lành, thưởng thức vài ngụm trà hoặc làm động tác co duỗi đơn giản.

Trong khi thiền định, bạn không nên gây cho mình bất kỳ áp lực nào, vội vàng kết thúc cái này cái kia, hoặc trở nên máy móc. Với tâm thư thái, hãy để cho thiền định diễn ra với một tốc độ tự nhiên, như dòng nước chảy qua cánh đồng rộng vậy.

Khắc phục sự kháng cự

Khi chúng ta bắt đầu làm một việc có ý nghĩa và quan trọng, thiền định chẳng hạn, luôn có những lý do để ngăn cản ta toàn tâm toàn ý cho thiền định.

Chúng ta có thể phung phí cả ngày lẫn đêm cho những thú vui mà không cần động não nhưng khi thiền định thì bỗng nhiên đủ loại nghĩa vụ, mong đợi không thật hoặc hoài nghi dấy khởi. Chúng ta có thể nghĩ rằng “Mình nên ở cùng gia đình” hay “Mình nên tập trung kiếm tiền”, “Mình nên làm công tác xã hội”. Hoặc chúng ta hoài nghi về thiền định: “Tôi không sẵn sàng cho việc này. Có lẽ còn có một phương pháp tốt hơn” v.v… Những lý do tự lừa dối bản thân thì vô lượng.

Những trở ngại như vậy, cả trong đời sống hàng ngày và trong thiền định, đều bắt đầu là những đứa tiểu yêu vô hại nhưng dần biến thành lũ yêu ma phá hoại nếu chúng ta không cẩn thận. Một vài năm sau khi đi tị nạn, tôi bắt đầu học tiếng Anh. Bất cứ khi nào tôi cầm cuốn sổ tay tiếng Anh của mình lên thì sự tập trung bị phá vỡ bởi những suy nghĩ như “Cầu nguyện và thiền định tốt hơn học tiếng Anh nhiều. Có lẽ mình sẽ chết trước khi học tiếng Anh. Chết rồi, chẳng có gì ngoài thói quen tích cực của tâm sẽ có lợi cho mình”. Nhưng sau đó, khi tôi cầu nguyện, những lời nhắn nhủ lại xuất hiện trong đầu, chẳng hạn như “Đời thì dài, đời tị nạn thì gian nan, để sống, ta phải học tiếng Anh”.

Tôi đã thả mình vào trong tất cả các ngày hội của sự biếng nhác để tránh những gì là tốt cho mình. Phải mất rất nhiều thời gian và cố gắng tôi mới vượt qua được sự kháng cự của bản thân và cảm thấy việc học tiếng Anh thoải mái khi tôi phải học hoặc cầu nguyện.

Khắc phục những khuynh hướng mang tính thường xuyên như vậy, lập trình lại những thói quen tinh thần của mình là kết quả của kỷ luật và thống nhất lâu dài thông qua hai phương pháp: (1) chánh niệm tỉnh thức và (2) áp dụng đúng thông điệp.

Chánh niệm là thuật ngữ mà nhà Phật dùng để diễn tả việc toàn tâm toàn ý cho giây phút đó. Thay vì lo lắng về quá khứ, kế hoạch cho tương lai, chúng ta học cách cảm thấy thoải mái vào giây phút hiện tại. Nếu chúng ta sống theo cách này, đó chính là vị thần hộ trì sức khỏe tuyệt vời nhất mà chúng ta có. Vì vậy, dù là đang cắt cỏ hay ngồi thiền, chúng ta cũng nên toàn tâm cho việc đó. Tâm chúng ta thực sự hầu như đầy đủ như vậy nhưng có thể thực hành trước khi chúng ta học cách trú trong giây phút hiện tại mà không theo đuổi tham ái và lo âu.

Nếu chúng ta thấy mình chống cự lại một thứ gì đó, có một cách đơn giản là nhận biết sự chống cự đó mà không phán xét hay cảm giác tội lỗi. Sau đó chúng ta có thể từ từ làm dịu nó với một suy nghĩ cởi mở rằng chúng ta đơn giản sẽ toàn tâm vào việc đó. Sẽ đầy bất ngờ khi thấy chúng ta có thể học cách tận hưởng những gì mình đang làm ra sao nếu mình kiên nhẫn, cởi mở và nếu mình chỉ sống với giây phút hiện tại.

Nó cũng có thể giúp thúc đẩy bản thân chút ít, nhẹ nhàng nhưng chắc chắn. Chúng ta có thể nhận ra trò bịp bợm của tâm phóng túng, tâm lang thang và trao cho mình một lời nhắn nhủ tích cực để đi đúng hướng. Khi tôi lớn lên tại tu viện, những vị thầy trí huệ và uy nghiêm biết tất cả trò lường gạt của mấy cậu bé lười nhác và phóng túng. Thường thì các thầy có thể nghiêm khắc nhưng vị thầy của tôi luôn chan chứa tình yêu thương.

Đôi khi việc rèn luyện tâm của chúng tôi cũng giống như việc người cha, người mẹ đầy yêu thương rèn luyện những đứa con của mình, những đứa trẻ phải được hướng dẫn để giữ cho chúng khỏi lang thang vào chốn có thể bị tổn hại.

Chúng ta cần học phương pháp cân bằng tâm, có khi thúc đẩy nhẹ nhàng nhưng chắc chắn nếu tâm quá lười biếng hay đi lang thang nhưng đừng bao giờ quá mạnh hay hung hăng. Trong khi thiền, chúng ta dễ dàng từ bỏ cảm giác khó chịu hoặc sự kháng cự. Một lần nữa, chúng ta chỉ nên nhận biết những cảm giác đó và rồi thả lỏng để quay về thiền định.

Cảm nhận tốt về thiền

Nhiều người mới tập thiền đã than phiền với tôi rằng: “Thật chẳng công bằng với tôi chút nào khi tôi thiền ở một nơi dễ chịu và cảm thấy an bình trong khi nhiều người lại đang vật lộn”.

Tuy đây là một suy nghĩ tốt đẹp nhưng nó cũng thái quá. Nếu thực tâm lo lắng về việc ích kỷ, chúng ta sẽ được khen ngợi vì thái độ tuyệt vời này. Nếu chúng ta tôn trọng và quan tâm đến người khác hơn bản thân mình, đó chính là thực chất của việc thực hành Phật giáo. Thái độ đó sẽ cho chúng ta và những ai xứng đáng có được sức mạnh và sự cởi mở một cách tự nhiên. Nhưng phần lớn những cảm giác tội lỗi này (“Mình nên giúp người khác thay vì hành thiền”) lại là cái cớ để tránh né việc dấn thân vào bất kể điều gì xứng đáng. Những ai bám vào nhu cầu phải “vô ngã” như một sự thay thế để nuôi dưỡng sự bình an của tâm có thể dùng nó như một cái cớ để duy trì tình trạng nhàn rỗi.

Những cảm giác tội lỗi đó có thể là một dấu hiệu của cú sốc, một phản ứng của những tổn thương bên trong chúng ta bị kinh nghiệm thiền định chọc thủng. Kinh nghiệm này có thể quá mãnh liệt và xa lạ đến nỗi vài người trong chúng ta cảm thấy tránh né sẽ an toàn hơn là chịu đựng.

Chúng ta phải hiểu rằng để giúp người khác, mình cần phải cải thiện tâm mình và cho bản thân cơ hội để được an bình. Nếu không làm bánh mì, sao ta có thể chia phần bánh cho những người đói chứ? Nếu tâm ta đầy những lo âu, hận thù và đau đớn thì làm sao có thể giúp người khác tìm thấy sự an lạc đây?

Như Thomas à Kempis, một tín đồ đầy trầm tư của Ki Tô giáo đã nói: “Bản thân mình trước tiên phải an bình rồi mới có thể mang an bình đến với mọi người được”.

Khiến nó trở nên đơn giản

Đôi khi ta cần một cách hành thiền đơn giản do thời gian hạn chế hoặc do tính khí và hoàn cảnh của bạn hợp với sự đơn giản.

Một trong những cách thiền đơn giản nhất là theo dõi hơi thở. Nhận biết hơi thở là bước cơ bản của thiền quán. Nó khiến bạn tập trung và an tĩnh, và mặc dù nó hoàn toàn phù hợp với người mới tập nhưng có thể đưa đến tầng giác ngộ cao hơn. Trong các hoạt động thường nhật, bạn có thể kết nối với hơi thở trong mọi giây phút, chạm vào sự tĩnh lặng và an bình trong hơi thở vào ra. Khi bạn đang đau khổ, chú tâm vào hơi thở ra sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn.

Một cách khác cũng đơn giản đó là giữ chánh niệm lúc vừa thức giấc vào buổi sáng, khi vẫn còn ở trên giường. Đó là lúc mọi người tìm thứ gì đó “đơn giản” nhưng hiệu quả, và đây là phương pháp mà tôi thường khuyên dùng. Khi vừa thức giấc, sự tỉnh thức của bạn mở rất rộng, đó là thời điểm rất tốt để khuyến khích tâm an bình của bạn. Thay vì chạy theo những ý niệm tán loạn và những mối lo âu, hãy nghỉ ngơi trong cảm giác thức dậy rộng mở. Hãy nghỉ ngơi trong bất kỳ cảm giác nào mà bạn đang có. Bạn cũng có thể nghĩ cơ thể mình là cơ thể ánh sáng, giống như ánh sáng của một ngày mới vậy.

Khi bạn thức dậy, hãy thức dậy một cách có chánh niệm, với một trái tim rộng mở đón ngày mới. Sau đó hãy tạm dừng khi làm các công việc hàng ngày và tận hưởng bất kỳ cảm giác an bình hay rộng mở nào mà bạn đã có vào buổi sáng. Hãy để cho mình có những khoảnh khắc an trú trong sự rộng mở.

Bạn cần biết đủ về tâm mình để lựa chọn lối thiền nào là phù hợp với nhu cầu của mình. Nhu cầu của bạn, giống như một thiền giả và người tham gia vào cuộc sống, có thể thay đổi tùy theo thời điểm và nhu cầu của tâm trạng và hoàn cảnh. Những lời khuyên trí tuệ của người khác có thể giúp bạn. Nhưng rốt cuộc bạn phải có trách nhiệm với sự khỏe mạnh, hạnh phúc của bản thân và phải tìm nguồn trí tuệ bên trong để dẫn đường.

Tránh kỳ vọng

Đối với việc chữa lành, quan trọng là phải có nguồn cảm hứng. Một cảm giác hy vọng và đầy cảm hứng sẽ tạo ra sự nhiệt tâm, tin tưởng và cởi mở, khiến cho việc thiền trở nên dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, chúng ta không nên ám ảnh về những gì trải qua khi thiền hay kỳ vọng một cách cứng nhắc về điều gì sẽ xảy đến. Bám chấp vào kết quả sẽ chỉ thành tấm ga-rô xiết chặt nguồn năng lượng tinh thần và thể chất của bạn.

Chúng ta không nên áp đặt những giới hạn tinh thần về thời gian, đặc tính hay phạm vi, chẳng hạn như ý nghĩ “Ta cần được chữa trị trong thời gian như này” hay “Ta phải chữa trị vấn đề của mình có hiệu quả”. Lối tư duy như vậy có thể giới hạn sự tiến bộ của chúng ta.

Mỗi ngày, chúng ta hiển nhiên phải hít thở, đó là một phần của quá trình chữa lành.

Cần nhẫn nại và kiên định

Một số người tham dự các buổi thiền của tôi cho rằng mọi vấn đề sẽ đều chữa khỏi trong mỗi buổi tập, giống như ảo thuật vậy. Thật không may, nó hầu như không hoạt động theo cách đó. Ngày nay, chúng ta có điều kiện để muốn “nhanh khỏi” và mau chóng có kết quả. Nếu thiền với tấm lòng cởi mở, chúng ta sẽ tạo được sự khác biệt, kể cả chỉ thực hành trong một ngày cuối tuần. Nhưng chúng ta phải duy trì.

Cách đây không lâu, một đại sư Phật giáo đã có buổi nói chuyện với các khán giả phương Tây, khuyên họ thiền mỗi ngày một ít. “Có thể trong một thời gian ngắn chưa thấy khác nhưng sau hàng tuần, tháng, năm hay hàng thập kỷ, bạn sẽ thấy có cái gì đó khác”. Mọi người bắt đầu cười, họ kỳ vọng vị đó nói rằng cần đạt được lợi ích ngay lập tức. Nhưng có thể phải mất thời gian, điều này không khuyến khích nhiều người trong chúng ta. Nếu chúng ta quyết tâm tuần này thực tập 10 tiếng và kết quả là không hoàn toàn có biến chuyển, chúng ta sẵn sàng từ bỏ. Chúng ta nghĩ rằng nó chẳng có tác dụng gì cả.

Trong nhiều năm, chúng ta tiêu tốn phần lớn năng lượng vào việc lo lắng các vấn đề và về thứ mình muốn. Việc này giống như thiền tiêu cực. Bởi vậy, chúng ta đang luyện cho bản thân đi chệch hướng.

Chúng ta cần nhẫn nại và kiên định. Chúng ta ăn hàng ngày. Chúng ta không thắc mắc gì về điều đó. Nhưng khi thiền, chúng ta lại nghĩ: “Ta làm một lần rồi, ta không muốn làm lại nữa”.

Điều quan trọng là phải làm cho thiền định trở thành một phần của cuộc sống, giống như dệt một sợi vải của tấm thảm vậy. Mang thái độ hưởng thụ vào thiền định sẽ giúp ích rất nhiều. Nó cũng giúp chúng ta mang những cảm giác an bình của thiền vào trong sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta bắt đầu nếm thành quả của những nỗ lực như vậy đấy.

Khi việc chữa lành của tâm trở thành thói quen, tâm chúng ta sẽ giống như một dòng sông lớn. Dù con sông có vẻ không phải lúc nào cũng chảy nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy nước đang từ từ tìm đường ra biển.

Mở rộng cảm xúc tích cực

Một điều luôn quan trọng là thấy và nhận biết sự tiến bộ chính là kết quả thiền định của bạn, ngay cả khi nó có ít ỏi đi chăng nữa. Hãy chú ý đến bất kỳ thay đổi nào trong cách bạn nghĩ, cảm nhận hay hành động. Hãy cho mình cơ hội để tận hưởng trải nghiệm của cảm giác tốt nhiều đến mức có thể. Hãy tán dương và vui mừng với bất kỳ sự tiến bộ nào. Khi bạn vấp ngã, hãy vui vì điều đó bởi nếu bạn nghĩ theo cách trên, sự đấu tranh có thể là một phần hiệu quả trong sự tiến bộ của bạn.

Ngay cả khi đã đạt được nhiều tiến bộ, bạn sẽ hạ bớt xuống nếu nghĩ rằng: “Ồ, tiến trình thiền định của mình thật chẳng đáng kể gì” hoặc “Những gì mà tôi trải qua trong thiền định có thể làm gì với một núi rắc rối mà tôi đang đối mặt đây?”. Từ đó, năng lượng tiêu cực mà bạn loại bỏ do thiền định sẽ có cơ hội lấy lại chỗ đứng của nó.

Nếu bạn thiền định trong vòng năm phút, đừng nói rằng: “Thật quá tệ, mình đã không thể thiền trong nửa giờ”. Thay vào đó, hãy tự nói với bản thân rằng: “Mình đã thiền được năm phút. Tuyệt vời!”. Đôi khi chúng ta rất lười biếng, điên khùng hay phóng túng; vì vậy, có lẽ chúng ta cần thúc đẩy bản thân quay về đúng đường. Nhưng hãy thận trọng với việc luôn xem mọi thứ mình làm là tiêu cực. Thay vào đó, hãy chú ý và mở rộng cảm xúc tích cực và giữ cho nguồn năng lượng chữa lành luôn chảy.

Nếu bạn hân hoan với sự thiền định mà bạn đã đạt được, ngay cả khi việc bạn thiền và kết quả của nó không đáng kể thì năng lượng chữa lành mà chúng tạo ra sẽ trở nên lớn hơn. Sự chữa lành cái tâm khổ não có thể tiếp tục ngày lẫn đêm nhờ vào sức mạnh của niềm hoan hỷ. Nó giống như đầu tư một số vốn nhỏ vào cổ phiếu nóng trên một thị trường phồn thịnh vậy.

Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Mộc Tử Phương Lan

Trích tác phẩm: Độ sinh vô biên – Nhà xuất bản Thời Đại