CHIA SẺ

Đức Phật 22
Khi bắt đầu một hành trình, chúng ta cần biết mình đang ở đâu và đảm bảo đi đúng hướng. Cũng như vậy, khi chúng ta muốn tăng cường sự chữa lành của tâm và thân, tốt hơn là nên quay lại đánh giá tình trạng sức khỏe của mình và nghĩ xem làm sao để cải thiện nó.

Ba trạng thái sức khỏe

Tình trạng sức khỏe đương nhiên có thể tốt hoặc xấu, nhưng vẫn còn có khả năng thứ ba – hoàn toàn khỏe mạnh. Các trạng thái trên sẽ như sau:

  1. Trạng thái yếu: Chúng ta lôi kéo đời mình vào những cảm giác đau đớn, sợ hãi, buồn bã, hỗn loạn và mơ hồ. Thân tâm bị kẹt vào vòng quay của tham dục và sân hận bất tận. Đây là trạng thái cần chữa trị.
  2. Trạng thái khỏe: Chúng ta thấy và duy trì cảm giác an bình, hạnh phúc. Ta nên hưởng một tâm trí, một cơ thể khỏe mạnh và mang lại cho cuộc sống của mình một phương pháp chữa lành để những rắc rối không áp đảo chúng ta. Dù chúng ta có đang ở trạng thái sức khỏe tốt nhưng hễ chúng ta còn chịu ảnh hưởng bởi tính nhị nguyên của hiện tượng mang tính khái niệm- an bình và bất an, vui sướng và khổ đau, vô minh và trí tuệ, sinh và tử – thì chúng ta vẫn chưa phải sống ở một nơi hoàn hảo đâu.
  3. Trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh: Chúng ta có được sự an bình của tâm thức, thứ vượt ra ngoài khái niệm khổ đau và hạnh phúc. Sức khỏe viên mãn chứa đựng những cái gọi là sự đối lập trong mỗi trạng thái hòa hợp, nơi mà chúng ta vui vẻ chấp nhận cuộc sống như nó vốn vậy. Trong trạng thái giác ngộ này, có thể tận hưởng tất cả các hoàn cảnh trong thật tính của chúng mà không cần phải tránh né hay giữ lại bất cứ điều gì.

Đối với hầu hết chúng ta, những người đang tranh đấu để được khỏe mạnh và hạnh phúc, cần nhớ những điểm sau: (1) Nếu chúng ta không khỏe mạnh, có thể chữa trị và trở nên khỏe mạnh hơn. (2) Nếu chúng ta về căn bản khỏe mạnh, vẫn còn bị trượt dốc nhưng thiền định chữa lành sẽ mang đến sức mạnh, sự kiên trì và khéo léo để lấy lại cân bằng khi gặp khó khăn. (3) Chỉ cần biết đâu thực sự là các phương tiện đưa đến sức khỏe trọn vẹn thì có thể tạo cho chúng ta niềm hứng khởi trong cuộc sống.

Chúng ta nên nhớ rằng bản chất mọi thứ đều hoàn hảo và sự hỗn loạn giống như những con sóng mãnh liệt trên đại dương sâu thẳm, yên lặng. Nếu chúng ta biết điều này, suy ngẫm về nó kể cả ở mặt khái niệm thì chúng ta sẽ có thể chấp nhận trạng thái không khỏe mạnh với một mức độ bình tĩnh. Lần lượt, điều đó sẽ giúp chúng ta chữa trị các vấn đề mà chúng ta đang đối mặt và tiến đến trạng thái sức khỏe viên mãn.

Bốn đối tượng chữa lành

Mỗi người chúng ta đều có một quan điểm, nhu cầu và khả năng riêng. Vì vậy, khi quyết định nguồn chữa bệnh nào là tốt nhất, chúng ta phải chọn một đối tượng phù hợp với mình. Bốn loại đối tượng có thể được xem là các nguồn chữa lành chủ yếu:

  1. Đối tượng tích cực: Bất kỳ loại đối tượng nào có đặc tính tính cực và chúng ta thấy nó tích cực sẽ làm lợi cho chúng ta và hỗ trợ việc chữa lành. Đối tượng này có thể là cơ thể của chính chúng ta, mà chúng ta nhìn thấy cơ thể của ánh sáng và năng lượng chữa lành. Nó có thể là bầu trời rộng mở, không biên giới hoặc bất kỳ cái gì trong thiên nhiên như dòng sông, ngọn núi hay đại dương. Nó cũng có thể là bất kỳ hình ảnh tích cực hay hương vị, cảm giác tích cực. Những người mới tập thiền đặc biệt cần nhớ rằng bốn sức mạnh của tâm – nghe, nhận biết bằng ngôn từ hay lời cầu nguyện, cảm giác và niềm tin – là rất quan trọng trong việc gia tăng các lợi ích.
  2. Đối tượng tinh thần: Nếu tâm chúng ta đón nhận các đối tượng tinh thần, chúng sẽ có ý nghĩa hơn và mang đến nguồn năng lượng thanh tịnh hơn để chữa lành. Chúng ta có thể dựa vào bất kỳ hình ảnh, từ ngữ, hay cảm giác có liên quan đến bất kỳ thực thể thiêng liêng, nơi linh thiêng, người tu hành, lời cầu nguyện hay sự quán tưởng quan trọng về mặt tinh thần. Các Phật tử tin rằng tất cả chúng ta đều viên mãn trong thật tính của mình. Cho nên chúng ta có thể xem cơ thể mình là hiện thân linh thiêng của bậc thánh, Đức Phật chẳng hạn, thiên phú với những nguồn năng lượng phước lành.

Những người không thuộc về một tổ chức tôn giáo nào cũng có thể đạt được lợi ích từ các đối tượng tinh thần nếu tâm họ hiểu rõ giá trị những đặc tính tính cực của chúng. Chúng ta cũng có thể “mượn” những hình ảnh từ các truyền thống tôn giáo khác thay vì của mình. Một hình ảnh về đức Phật có thể làm lợi cho những người không phải tín đồ Phật giáo, thậm chí làm lợi cho những trái tim được tôi rèn trong chiến tranh. Vào năm 1957, tại lễ kỷ niệm 2500 năm ngày Phật đản, tiến sĩ S. Radhakrishnan, nhà triết học nổi tiếng và sau là Phó Tổng thống Ấn Độ, đã kể câu chuyện sau: “Có một vị tướng nổi tiếng người Anh thời Thế chiến, lúc qua đời đã để lại một bức tượng Phật cùng với lời nhắn cho một vị tướng khác. Bức di chúc viết rằng: Nếu ông bị hỗn loạn, bối rối, hay không biết phải làm gì, chỉ cần nhìn vào bức hình này. Nó sẽ mang đến cho ông bình an và sức mạnh. Nó sẽ mang đến cho ông lòng kiên định.”

  1. Tất cả các đối tượng: Những người tu thiền thành công có thể sử dụng bất kỳ đối tượng nào, kể cả tích cực lẫn tiêu cực để chữa lành. Khi thấy mọi thứ đều an bình trong tự tính chân thực của nó, bất kỳ đối tượng nào cũng đều là yết tố tích cực của sự chữa lành dù nó đầy thịnh nộ hay an bình, đẹp đẽ hay xấu xí, linh thiêng hay phàm tục.
  2. Đặc tính thực của tự tâm: Đối với những người đã thành tựu thiền định ở mức độ cao, nếu tâm thực sự nhận ra tự tính an bình của nó, việc chữa lành không cần đến đối tượng nữa. Họ vượt ra ngoài nhu cầu cần đến đối tượng tích cực hay tiêu cực vì tâm an bình là đủ rồi. Ngay cả khi cơ thể thoái hóa về mặt vật lý, bản chất của một hiện tượng hiển nhiên, sự thoái hóa sẽ gây ít hoặc không có ảnh hưởng gì đến tâm.

Đối với hầu hết chúng ta, điều quan trọng là phải nhớ rằng tâm chúng ta an bình trong tự tính của nó, ngay cả khi bản chất đó thường bị sự bám chấp che mờ. Trong thiền định, chúng ta có thể nếm được mùi vị an bình vượt ngoài mọi khái niệm. Vào cuối mỗi bài tập chữa lành, chúng ta kết hợp nhận thức của mình “làm một” với kinh nghiệm thiền định. Mỗi một kinh nghiệm cung cấp cho chúng ta một con đường để việc thiền định chữa lành thêm sâu. Nó cũng mang cho chúng ta bài thực hành vượt ngoài tính nhị nguyên của đối tượng tích cực và tiêu cực, và điều này cũng có thể dẫn đến tầng giác ngộ cao hơn.

Hai nguồn sức mạnh chữa lành: đối tượng bên ngoài và bản thân chúng ta

Trong việc tìm kiếm sự chữa lành cho bản thân, chúng ta có thể khai thác hai sức mạnh chữa lành:

  1. Sức mạnh của người và vật bên ngoài: Đối với hầu hết chúng ta, việc áp dụng bất kỳ hay tất cả những phương tiện chữa lành là rất quan trọng cho dù đó là sức mạnh của một vị thần thánh; sức mạnh của một người chữa bệnh; sức mạnh của những hình ảnh tích cực; sức mạnh của y học, chế độ ăn hợp lý và các bài thể dục hay sức mạnh của tự tính.
  2. Sức mạnh của bản thân: Nguồn chữa lành thực sự là sức mạnh của tâm chúng ta. Sự tự chữa lành đến từ việc chúng ta thực sự là cái gì và sử dụng những đặc tính đó như một đặc quyền của mình.

Sức mạnh chữa lành thực sự không đến từ một người hay vật nào và cũng không bất ngờ khởi lên. Tâm an bình là nguồn chữa lành chân thật. Tuy nhiên, rất khó để hầu hết chúng ta trực tiếp tập trung vào những đặc tính thật của tâm mình, vì vậy chúng ta có thói quen dựa vào người hay vật khác. Những giáo lý thông thường khuyên chúng ta tận dụng lợi thế của sự phụ thuộc mang tính thói quen này bằng cách tập trung vào các đối tượng tinh thần tích cực, đây là một cách để đánh thức những sức mạnh trong tâm.

Các đối tượng tinh thần giúp chúng ta chữa lành không phải vì sức mạnh của tự thân những hình ảnh hay ngôn từ mà vì sức mạnh của tâm, thấy chúng là tích cực. Hiểu được sự thật này có thể giúp chữa lành rất nhiều. Khi chúng ta ngộ được rằng sức mạnh chữa lành thực sự nằm nơi tâm mình thì cái giác ngộ đó có thể đem đến cho chúng ta niềm tin mạnh mẽ. Khi biết rằng tất cả chúng ta đều có Phật tính, chúng ta sẽ tin tưởng hơn vào nguồn tâm linh của mình. Chúng ta có được khả năng trở nên an bình hơn trong tâm.

Khi niềm an lạc được đánh thức trong ta, chúng ta sẽ thấy hào quang của mình đang chiếu khắp mọi nơi. Nếu sự an lạc không hé sáng trong chúng ta thì tia nắng an lạc sẽ khó có thể phát ra từ bất kỳ một nguồn nào. Ngạn ngữ Tây Tạng có nói: “Nếu bạn không làm ló rạng bình minh, đừng mong chờ ánh nắng từ láng giềng của mình”.

Cầu nguyện cho mình và người khác, tạo ra nguồn cảm hứng và trao tặng những món quà là những phương pháp chữa lành quan trọng. Những tu tập tự giác về an lạc thông qua bốn sức mạnh chữa lành của tâm là những phương tiện hiệu quả nhất để chữa lành các vấn đề của chúng ta.

Ba cách đối mặt với vấn đề

Thiền dạy chúng ta những đặc tính của tâm và luyện cho ta nếm trải cảm giác an bình. Nhiều người cho rằng thiền là một thứ gì đó tách biệt với đời sống, nhưng thực sự không phải như vậy. Chúng ta cần đưa những cảm giác tích cực của thiền định vào trong cuộc sống. Cũng như tìm hiểu tâm trong khi hành thiền, chúng ta cần tìm hiểu tâm trong cuộc sống hàng ngày và huấn luyện nó.

Tuy phần lớn mọi người đều mong mình không bao giờ gặp rắc rối nhưng khó khăn lại là một phần cuộc sống. Những khó khăn dạy chúng ta về bản thân mình, và chúng ta có thể dùng chúng để tăng cường những đặc tính tích cực của tâm. Có rất nhiều người trong số chúng ta khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bằng cách bám víu lấy chúng và lo lắng về chúng một cách không cần thiết. Cũng như học cách thư giãn trong thiền định, chúng ta cần mang thái độ thoải mải và tích cực hơn vào cuộc sống.

Chúng ta đối mặt với khó khăn ra sao tùy vào chính vấn đề đó và khả năng của chúng ta. Dưới đây là ba cách đối mặt với một vấn đề:

  1. Đừng lo lắng về nó: Nếu vấn đề không đáng kể, có lẽ không cần phải chú ý đến nó hay áp dụng bất kỳ phương pháp chữa lành nào. Chúng ta nên giữ gìn thời gian và năng lượng quý giá cho những vấn đề nghiêm trọng hơn.
  2. Tránh nó: Nếu vấn đề quá mới mẻ và quá lớn, việc nghĩ về nó có lẽ chỉ khiến cho tình hình trở nên không thể chịu nổi mà thôi. Trong trường hợp này, chúng ta không nên nghĩ về nó.

Chúng ta có thể áp dụng những cân nhắc này không chỉ đối với những vấn đề về tinh thần mà còn về thể chất. Với một số loại đau đớn về vật lý, nếu cứ chú ý vào nỗi đau và trở nên lo lắng, bất an thì chúng ta đang tăng thêm nỗi đau tinh thần cho nỗi đau thể chất và kết quả là cảm thấy nhiều áp lực xấu nhiều hơn từ nỗi đau.

Chúng ta có thể phát triển sức mạnh để đối phó với một vấn đề thông qua thiền định hay bất kỳ phương pháp tích cực nào, chẳng hạn như đọc sách, đi bộ hay trò chuyện. Khi đạt được một số khoảng cách và tự do khỏi vấn đề, chúng ta có thể giải quyết nó một cách bình tĩnh hơn.

  1. Đối phó với nó: Nếu vấn đề đáng chú ý và chúng ta đã sẵn sàng thì chúng ta nên đối phó với nó một cách bình tĩnh và thực tế.

Học cách chấp nhận các vấn đề là một sự rèn luyện tích cực cho tâm. Trong phạm vi có thể, chúng ta nên xem vấn đề là cơ hội, thách thức chứ không phải là gánh nặng. Thậm chí chúng ta có thể học cách hoan nghênh các vấn đề hay ít nhất cũng không lo lắng nhiều về chúng, bắt đầu từ những khó khăn nhỏ và tiến tới những khó khăn lớn hơn. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy tính mở rộng của vấn đề vượt ngoài những danh xưng tiêu cực mà chúng ta thường áp dụng. Nếu có thể buông lỏng bám chấp và lo lắng khi đối mặt với các vấn đề, ta có thể biến chúng từ kẻ thù thành bạn.

Sự quan trọng của điểm chú tâm

Giữa những khó khăn vất vả, chúng ta có một điểm chú tâm thì thật hữu ích. Chúng ta có thể chọn bất kỳ hình ảnh tinh thần hoặc trải nghiệm tích cực để tập trung tinh thần. Tôi khuyến khích mọi người nghĩ về kinh nghiệm tuyệt đỉnh và mang những cảm giác đó vào thiền định.

Một thí dụ từ cuộc sống là kinh nghiệm tâm linh tôi có được trong chuyến viếng thăm một đại sư, người mà tôi đã nhắc đến trong Chương 1. Chúng ta có thể thấy rằng một ký ức đầy cảm hứng sẽ đi vào tâm hoặc chúng ta cũng có thể chọn lựa nhiều khả năng, chẳng hạn như một trải nghiệm tuyệt vời trên núi hay bờ biển. Ngay cả khi thấy nản vì dường như không có gì gây cảm hứng, ta vẫn tìm thấy điểm chú tâm có thể giúp mình. Viktor Frankl của Đức quốc xã, một nhà trị liệu đã trải qua chốn địa ngục Auschwitz, có thể tìm thấy nguồn cảm hứng khi nghĩ về việc “đáng đau khổ”.

Một điểm tập trung tinh thần có thể giống một người bạn đáng tin, người mà bạn có thể hướng về mỗi khi vui buồn. Nếu tâm trạng của bạn u tối hay ảm đạm, hãy dành chút thời gian dù là một vài phút để thiền định. Hãy nhớ lại hình ảnh hay trải nghiệm đó khi bạn hít thở một cách thoải mái. Điều quan trọng nhất là những cảm giác ấm áp, rộng mở và tích cực trở về. Bạn có thể đưa những cảm giác này vào trong sự buồn bã tối tăm, xua tan thứ tiêu cực giống như một bông tuyết tan trong nước vậy. Bạn có thể thay đổi điểm chú tâm tùy vào nhu cầu của mình tại giây phút đó, cũng như bạn sẽ chọn một loại thuốc cụ thể cho một vấn đề cụ thể.

Tầm quan trọng của việc giác ngộ thực tính của chúng ta

Có thể quá cao để chúng ta hiểu được, thậm chí ở mức độ khái niệm, rằng chúng ta giác ngộ trong tự tính chân thật của mình. Chúng ta có thể nói: “Một cảnh giới tâm tuyệt vời như vậy có lẽ vượt ngoài tầm với của tôi, vậy tại sao tôi lại nên nghĩ về nó làm gì?”

Lý do tôi thích nhắc nhở mọi người về bản tính viên mãn của họ chính là vì điều này có thể khuyến khích chúng ta. Vâng, sự thật là cái chấp trước của chúng ta thường che mờ bản tính này. Nhưng tin tốt là chúng ta đã có những gì cần thiết để được bình an và hạnh phúc. Bằng việc rèn luyện tâm thông qua thiền định và phát triển thái độ đúng đắn trong cuộc sống, chúng ta có thể mang lại thứ đã có ở đó rồi. Chúng ta có thể cải thiện bản thân và trở nên hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn trong tâm.

Tâm giác ngộ là thật tính của tâm và nó vốn là vậy. Đó là trạng thái tâm vô cùng an bình, hỷ lạc và thông suốt, thoát khỏi các điều kiện tự giới hạn của phân biệt nhị nguyên và cảm xúc phiền não. Nó là bản tính tối thượng của tâm và của mọi chúng sinh.

Tâm toàn giác là cảnh giới của Phật. Đó là tính phổ quát, hoàn toàn rộng mở. Tâm giác ngộ nhìn mọi thứ một cách không giới hạn, không có tính nhị nguyên thông thường của chủ thể và khách thể của sự phân biệt thông thường giữa thích trải nghiệm hạnh phúc và không thích trải nghiệm đau đớn. Vì thấy mọi thứ đều là “một” nên nhận thức mở ra không có giới hạn mà các tín đồ Phật giáo gọi là nhất thiết trí, hay trí tuệ thấy biết tất cả. Không gian là vô hạn, thời gian là vô tận và những hạn chế của quá khứ, hiện tại, tương lai được thừa nhận là những cái tên mà một tâm trí đầy khái niệm đặt ra.

Nếu chúng ta có thể giác ngộ nơi tâm, tâm mình thực sự là cái gì, vào giây phút đó tâm ta sẽ trở nên thực sự tự do, không hề bám chấp như thường lệ hay làm nô lệ cho những đối tượng tinh thần. Mọi hiện tượng sẽ xảy ra và hoạt động một cách hài hòa, không tách biệt hay đối lập.

Nghe có vẻ lạ với chúng ta, tâm luôn an bình và thọ hưởng loại trí tuệ cao siêu này. Thậm chí thật khó tin rằng tất cả chúng ta đều có tâm giác ngộ.

Ở đây chúng ta phải nhớ rằng những bậc toàn giác, đức Phật chẳng hạn, không quan tâm đến tên tuổi, danh tiếng, giàu sang hay bất kỳ thứ gì ngoài chân lý, và sau khi giác ngộ thực tính của tâm, Ngài đã chỉ dạy điều này cho chúng ta thông qua kinh điển. Hàng nghìn bậc thánh vĩ đại trong vô số truyền thống tâm linh trong mười thế kỷ đã ít nhiều trải qua cùng chân lý này và ngày nay có nhiều người giác ngộ ở một mức độ cao hơn hoặc thấp hơn.

Tôi đã giải thích trong Chương 1 rằng hầu hết chúng ta bám lấy tính an bình của tâm ra sao trong suốt thời gian yên tĩnh mà chúng ta cảm thấy cân bằng và hạnh phúc. Chúng ta cũng có thể nhớ lại quãng thời gian hồi ấu thơ khi tâm mình không chứa đầy những hoài bão và sự việc như bây giờ.

Khi nói về giác ngộ, tôi cũng thích đề cập đến hiện tượng “cận tử”. Những câu chuyện mọi người kể về việc gì đã xảy đến với họ khi họ tạm thời rời bỏ cuộc sống thật giống với giáo lý về cái chết của Phật giáo Tây Tạng. Người Tây Tạng rất say mê những câu chuyện như vậy và gọi người đã trải qua việc đó là delok, hay “người trở về từ cõi chết”.

Nhiều khía cạnh của kinh nghiệm cận tử cho chúng ta biết rất rõ về bản tính của tâm. Vào giây phút sắp chết, mọi người thường cảm thấy mình đang ra khỏi một đường hầm, nơi mà họ gặp một luồng ánh sáng rực rỡ, an bình và hạnh phúc. Sau đó họ hợp làm một với ánh sáng và cảm giác an bình hạnh phúc đó. Dù trải nghiệm này thường được tả bằng những từ như “hạnh phúc” và “an bình”, những ai đã trải qua nói rằng trải nghiệm ấy vượt ngoài cảnh giới của ngôn từ.

Những người trở về từ cõi chết thường thấy lại đời mình trong vài phút, với những việc từ thời ấu thơ cho đến lúc chết không lần lượt hiện ra mà cùng một lúc. Họ không cần nhìn các đối tượng bằng mắt, nghe bằng tai hay cảm nhận bằng cơ thể vì họ nhận thức được tất cả hình sắc, âm thanh và cảm giác một cách rõ ràng, không biên giới. Điều này giống với đặc tính toàn trí của tâm giác ngộ.

Thường thì nhiều người thực tế đã thuật lại những kinh nghiệm “giác ngộ” cận kề cái chết này. Do vậy, tâm giác ngộ không phải là cái gì xa lạ, nó là thật tính của tất cả chúng ta.

Cũng thật thú vị khi những kinh nghiệm này xảy ra vào lúc một người rời khỏi thân xác. Chúng ta nên làm những gì có thể để duy trì một cuộc sống tươi đẹp và một sức khỏe tốt. Ngay khi chúng ta ngừng bám chấp, cảnh giới hạnh phúc xuất hiện. Có lẽ chúng ta có thể học điều gì đó từ việc “cho đi” mà có thể đến trong lúc chết và áp dụng những bài học này vào hành vi trong cuộc sống. Tại sao lại chờ cho đến khi chết mới dừng bám chấp? Chúng ta có thể ngừng ngay bây giờ hoặc chí ít cũng học cách nới lỏng thái độ bám chấp của mình. Việc này sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn và để cho niềm hỷ lạc có cơ hội dấy khởi trong ta.

Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Mộc Tử Phương Lan

Trích tác phẩm: Độ sinh vô biên – Nhà xuất bản Thời Đại