CHIA SẺ

kissclipart-meditation-silhouette-physical-fitness-clip-art-ci-11ebd473246f7cd9
Hồi còn tu học tại Tu viện Dodrupchen, những lời nhắc nhở giáo lý thường xuyên từ các bậc đạo sư của tôi và từ kinh sách đã giúp đỡ tôi trên suốt con đường tâm linh. Nhờ vậy, giáo lý của Phật đã bén rễ thật chặt trong tâm tôi và sách tấn tôi trên hành trình cuộc sống. Vì rất dễ bị lạc hướng nên chúng ta nên trao cho mình những thông điệp và lời nhắc nhở tích cực.

Đó là mục đích của chương này và chương tiếp theo, nhấn mạnh một số điểm đáng chú ý. Chúng ta bắt đầu chương này với việc nghiên cứu những lợi ích mà thiền định có thể mang lại và một số nguyên tắc có thể hỗ trợ chúng ta trên con đường mình đi.

Một lợi ích trọng yếu của bất kỳ nỗ lực muốn giúp đỡ bản thân là nhận biết rằng chúng ta thực sự có thể cải thiện cái nhìn và cuộc sống của mình. Chúng ta nhận thức được năng lực chữa lành và khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn.

Đôi khi những cải thiện dường như rất nhỏ. Nhưng nếu chúng ta chú tâm và hoan hỷ với chúng thì chúng sẽ được mở rộng.

Nhờ vào thiền định chữa lành, chúng ta có thể khắc phục nhiều vấn đề nhưng không thể chữa tất cả được. Chúng ta vẫn phải bị bệnh và chết, đó là đặc tính, là bản chất của cuộc sống. Nhưng nếu có thể kinh qua sự an bình nhờ vào thiền định và tiếp cận với cuộc sống thì chúng ta có thể xử lý các vấn đề dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu chúng ta có thể tu tập và nhận biết thái độ tích cực và cảm giác tích cực.

Thông thường, chúng ta sống trong đời mà ít nhận ra mình đang làm gì, chứ chưa nói đến bản chất an bình và vui vẻ của cuộc sống. Chúng ta hầu như nghĩ về quá khứ, mơ về tương lai trong khi bỏ qua những gì đang xảy ra trong hiện tại, ngay giây phút này. Nếu chúng ta không nhận biết được thì có nghĩa rằng bạn không sống một cách trọn vẹn. Chúng ta giống như người mộng du, như thây ma vậy. Để sống và khỏe mạnh, chúng ta phải tỉnh dậy. Trong tiếng Phạn, gốc của từ Phật là “Tỉnh thức”. Đó chính là sự chữa lành, giác tỉnh thực sự. Như một bông hoa mọc lên từ đất và nở hoa trong ánh nắng, quá trình này cũng tiến triển từ từ. Đôi khi sự phát triển tâm linh của chúng ta có vẻ chậm và không đồng đều. Chúng ta có thể tụt lùi hoặc đầy hoài nghi. Chúng ta cần nhắc nhở mình rằng con đường chữa lành là con đường đúng để đi.

Lợi ích nói chung của sự chữa lành

Mục đích chung của việc chữa lành là cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Các bài thiền chữa lành có thể chữa khỏi hay ít nhất cũng làm giảm bớt những vấn đề tinh thần và thể chất.

  • Chúng ta có thể bị đau ốm do một số bộ phận hoặc các tế bào trong cơ thể bị suy yếu hoặc chết. Những nguồn năng lượng chữa bệnh và phước lành có thể giúp cho những tế bào xấu trở nên khỏe và các tế bào chết hồi sinh, cũng giống như nước có thể làm cây héo sống lại.
  • Chúng ta có thể đau ốm vì các kênh và động mạch của cơ thể bị các chất cứng hoặc tạp chất làm cho tắc nghẽn. Những làn sóng của năng lượng chữa lành có thể giúp cho chúng được thông.
  • Chúng ta có thể bị đau ốm vì một vài bộ phận của cơ thể bị hỏng hoặc không kết nối với phần còn lại của cơ thể dù tất cả chúng hoạt động như một đội. Những làn sóng chữa lành được tất cả các tế bào của cơ thể gửi và nhận có thể giúp những tế bào đó kết nối lại thành một đội riêng.
  • Có thể chúng ta bị đau ốm vì một số bộ phận của cơ thể bị mất sức. Các bài thiền định này có thể giúp chúng ta tạo ra và lấy lại sức mạnh.
  • Chúng ta có thể bị đau ốm vì áp đặt giới hạn lên phạm vi và năng lượng của cơ thể tuyệt vời của mình. Những bài thiền này có thể giúp phá hủy những bức tường giam cầm và khiến cho mọi thứ đều mở rộng vô biên.
  • Chúng ta có thể bị đau ốm vì đánh mất trí nhớ hay hiểu biết về những đặc tính và món quà thực sự của thân tâm. Những bài thiền này sẽ giúp bạn đánh thức ký ức về những đặc tính thực sự của tâm và thân trong mỗi tế bào của cơ thể.
  • Chúng ta thường đau ốm vì các yếu tố đất, nước, gió, lửa trong cơ thể không hoạt động hài hòa. Những phương pháp thiền này sẽ giúp bạn giảm bớt các xung đột và làm cho các yếu tố trong cơ thể lại hòa hợp với nhau như những người bạn.
  • Rốt cục, rắc rối đều bắt nguồn từ sự bám chấp của tâm, thứ có thể gây ra các vấn đề cho cả tinh thần lẫn thể chất. Những pháp thiền này sẽ giúp nới lỏng sự cứng nhắc của tâm trí và cơ thể chúng ta.
  • Sự an lạc trong tim có lẽ không chữa lành được hết mọi vấn đề của chúng ta nhưng chắc chắn sẽ trang bị cho ta sự nhẫn chịu hay thậm chí đón nhận tất cả mọi thứ xuất hiện trên con đường của mình.

Lợi ích tinh thần của thiền chữa lành

Thiền chữa lành có thể đem lại nhiều lợi ích tinh thần và chứng ngộ tâm linh. Nếu tim ta tràn ngập bình an, có nghĩa rằng chúng ta có được kho báu lớn nhất. Việc bám vào tiền bạc, quyền lực, tuổi trẻ hay sắc đẹp chỉ đơn giản là một cơ chế bảo vệ để che giấu điểm yếu của ta. Sức mạnh nằm ở sự bình an thật sự, đó là bản chất của một tâm trí lành mạnh. Nếu thân tâm đều an bình thì chúng ta có thể nhẫn chịu mọi hoàn cảnh, có thể hạnh phúc ngay cả khi bị bệnh và cơ thể già yếu, thối rữa.

Mục đích của những bài thiền này là gột sạch nghiệp của các cảm xúc và hành vi tiêu cực. Thông qua thiền định, chúng ta đạt được nhận thức và niềm hạnh phúc thanh tịnh, nền tảng của Phật giáo Tây Tạng phổ biến cũng như các giáo lý bí truyền. Chúng ta học cách tạo ra sức mạnh chữa lành và trang bị cho bản thân để phụng sự tha nhân.

Các bài luyện tập này có thể đưa đến tầng giác ngộ cao hơn. Ít nhất thì thực hành đúng các bài thiền sẽ giúp bạn bớt bám chấp vào tâm. Đây là cốt tủy của việc thực hành vì càng buông bỏ bao nhiêu, bạn càng hạnh phúc bấy nhiêu.

Lợi ích thể chất của thiền chữa lành

Tâm và thân liên quan chặt chẽ với nhau, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi thiền có thể giúp ích lúc chúng ta bệnh. Không phải mọi căn bệnh thể chất đều có thể chữa lành, và chúng ta nên hiểu rõ rằng cơ thể cuối cùng rồi cũng bị phân rã và chết. Tuy nhiên, một tâm trí tích cực và lành mạnh có thể khơi dậy những nguồn năng lượng của cơ thể đến mức tối đa.

Ở Tây Tạng, khi bị bệnh, trước tiên chúng tôi sẽ tìm đến một vị Lạt ma hoặc cầu nguyện năng lực chữa lành rồi mới tìm đến bác sĩ xin thuốc. Chúng tôi hoàn toàn tin vào năng lực chữa lành của thiền định và cầu nguyện, và khi lớn lên, tôi đã chứng kiến rất nhiều vấn đề đã được chữa trị thông qua sức mạnh chữa lành đó.

Sự chữa lành tâm và thân không phải là một cái gì đó kỳ lạ mà chỉ có người Tây Tạng mới làm được. Harry Winter, người bạn Mỹ của tôi, đã sử dụng sức mạnh thiền định và thái độ tích cực để đảo ngược quá trình phát triển của căn bệnh ung thư chết người. Harry đã giục tôi: “Hãy nói với mọi người về điều này; nó có thể giúp được họ”. Cho nên tôi làm thế thường xuyên nếu có thể.

Vào năm 1998, khi Harry 74 tuổi, bác sĩ của ông chẩn đoán ông bị ung thư phổi và dự đoán rằng ông sẽ chết sau vài tháng. Harry đã tập thiền trong nhiều năm, vì vậy ông đã biết đôi điều về sức mạnh của tâm và chuẩn bị tinh thần để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Ông tin chắc rằng thiền định có thể giúp mình nếu không làm căn bệnh dừng hẳn thì cũng khiến nó chậm lại, và phương pháp thiền đó cũng có thể gia tăng lợi ích của trị liệu y học.

Trước sự kinh ngạc của các bác sĩ, Harry đã sống sau hai ca phẫu thuật và bệnh ung thư của ông đã thuyên giảm. Năm năm sau, khi căn bệnh quay trở lại, ông quyết định từ chối ca phẫu thuật thứ ba mà có thể khiến ông vĩnh viễn nằm liệt giường. Lúc bấy giờ, Harry đã rất tinh thông trong việc thiền định một cách thoải mái, cởi mở, vì vậy trong mỗi giai đoạn thiền, ông thiền rất thoải mái tám tiếng mỗi ngày.

Ở tuổi 85, 11 năm sau khi bị chẩn đoán ở giai đoạn cuối, Harry rất khỏe mạnh so với những người cùng độ tuổi. Ông có rất nhiều bạn bè và có một thái độ vui vẻ, lạc quan. Sự an bình trong tâm trí trở thành một thói quen và hơi ấm từ thiền định của ông cũng lan tỏa đến các hoạt động thường nhật.

Về cơ bản, phương pháp quán tưởng của Harry cũng giống với phương pháp mà tôi đã mô tả trong Chương 8, là bài thiền thay thế cho bài tập số 4 “Đón nhận nguồn phước chữa lành” trong đó tâm mang đến những giọt cam lồ phước lành để gột sạch những cáu bẩn. Trong tâm mình, Harry thấy Kim Cang Tát Đỏa, đức Phật cõi Tịnh Độ, những vị mang đến cho ông dòng nước cam lồ chữa lành. Dòng cam lồ sẽ đi vào cơ thể ông qua đỉnh đầu, làm sạch và chữa lành các tế bào ung thư cũng như mọi phiền não thuộc về cảm xúc. Harry đã luôn mong muốn những phước lành này mở rộng đến tất cả chúng sinh trong toàn vũ trụ.

Trong những năm gần đây, Harry cũng bị bệnh khí thũng, ông mô tả rằng “bệnh phổi mãn tính khiến cho khó thở, do đó đã lấy đi lượng ô-xy cần thiết cho máu”. Sau khi tìm hiểu thêm về các điều kiện – và đặc biệt là mối quan hệ giữa thái độ tinh thần và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng – Harry đã tạo ra một lối quán tưởng đặc biệt. Phương pháp này đã mang đến cho ông sức mạnh kiểm soát sự khó thở nghiêm trọng thường gắn liền với bệnh khí thũng:

Vì thấy sự khó thở khiến việc thở nặng nhọc hơn và tinh thần lo lắng hơn, v,v… nên tôi biết được rằng cái mà các bác sĩ gọi là “sự khó thở” này do nhu cầu ô-xy gây ra không nhiều bằng do lo lắng, thậm chí hoảng loạn gây ra. Một khi hiểu được cơ chế này rồi, tôi biết được biện pháp khắc phục, ít nhất là đối với lo lắng và hoảng loạn: đó là quán tưởng.

Tôi nhận ra rằng sự khó thở, thậm chí là thở nặng nhọc và dường như không kiểm soát được thường là trạng thái bình thường mà những công nhân xây dựng, vận động viên và những người khác trải qua. Từ đó tôi suy ra, nếu tôi là một trong số họ thì khó thở sẽ không dẫn đến lo lắng. Vì vậy, tôi đã quán tưởng mình là một ngôi sao điền kinh Olympic, như tôi đã xem trên ti vi, chạy nước rút cự li 100 mét càng nhanh càng tốt. Tôi vượt qua vạch đích với vận tốc cực nhanh. Sau đó, tôi thở hổn hển, gập người lại như các vận động viên chạy nước rút, bàn tay đặt trên đầu gối, tôi thở rất nặng trong khi đám đông trên khán đài đang cổ vũ, cờ tung bay, thông báo phát ra trên loa, và các vận động viên khác đang thở hổn hển, khò khè. Dần dần, hơi thở nặng nề giờ đây dường như bình thường trở lại, không hề còn lo lắng, không hề khó thở.

Từ khi sử dụng pháp quán tưởng, tôi chưa bao giờ (lại) bị khó thở cấp tính mà trước kia đã khiến tôi phải lên xe cứu thương vào bệnh viện hai lần.

Harry cũng khám phá ra có thứ gì đó thật giản đơn như việc chúng ta chọn cách nào để định nghĩa tình trạng của mình – những từ mà chúng ta dùng để gán tên cho tình huống:

Tôi tham gia một nhóm hỗ trợ thiền và thảo luận để giúp những người mắc phải những căn bệnh mãn tính nguy hiểm đến tính mạng. Các thành viên giúp đỡ nhau đối phó với bệnh tật của họ bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi những đề nghị tích cực và lạc quan, những nỗi sợ hãi và chướng ngại đã biến thành sự vui sống. Tại cuộc gặp gỡ đầu tiên, người trưởng nhóm đi vòng quanh và yêu cầu những người tham gia xác định bệnh tật của mình. Những tuyên bố về bệnh ung thư phổi, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh teo cơ vang lên, nghe như buổi điểm danh của hội nghị tử thi vậy.

Vào lúc đó, tôi đã nghĩ “Bất cứ lúc nào có người nghe tên của một căn bệnh, nó củng cố thêm nhận thức của người đó về việc bị bệnh và để lại dấu ấn trong tâm trí. Do đó cái tên hư giả đó trở thành một thành phần thực sự của căn bệnh, nhắc nhở người đó rằng mình là một nạn nhân mỗi khi nghe thấy nó”. Nhưng có một phương thuốc chữa trị.

Vào buổi chiều nọ, một thành viên kể về những năm đối phó với bệnh ung thư vú. Bác sĩ bảo cô rằng bệnh không thể chữa được và nó sẽ lây lan ra khắp cơ thể, làm hạn chế khả năng thể chất của cô và gây tử vong trong vòng vài tháng. Nhưng cô từ chối chấp nhận lời phán quyết của căn bệnh. Thay vào đó, cô nói đã quyết định xem căn bệnh là một thách thức. Nó mang đến cho cô một cơ hội: cô có thể tự thoát khỏi những mục tiêu, cam kết vô ích và mở ra những mục tiêu mới, có sở thích mới, kết thêm bạn mới – hay nói một cách khác, thay đổi hình dáng của cuộc đời phù hợp với những hạn chế về vật lý đối với bệnh tình của mình. Cô thay thế từ ung thư bằng từ cơ hội, và cô đã ở đó, mười năm sau khi bác sĩ tuyên án tử hình, khuyến khích những người khác xem bệnh tật không phải là một tai ương có giới hạn mà là một cơ hội.

Trong nhiều tuần sau đó, bất cứ khi nào từ căn bệnh hay bệnh tật được thốt ra thì sẽ có ai đó trong nhóm nói lại thành “cơ hội!”, chắc chắn khiến cho cả nhóm bật cười và giải tỏa căng thẳng. Một số người hình thành thói quen nghĩ đến “cơ hội” mỗi khi nghe hay đọc tên căn bệnh của mình, và theo thời gian, điều này khiến họ thay đổi cái nhìn đối với cuộc sống một cách hiệu quả.

Cuộc sống của một thành viên trong nhóm, người phải chịu đựng căn bệnh đa xơ cứng, bị hạn chế đến nỗi cô hiếm khi mạo hiểm ra khỏi căn hộ của mình và sợ làm bất cứ điều gì mới hoặc kết bạn. Nhưng từ cơ hội đánh trúng tâm lý cô. Cô có một giọng ca rất hay dù là (đã) không thể biểu diễn một cách chuyên nghiệp. Giờ cô đã tham gia một nhóm nhạc sĩ nghiệp dư chơi miễn phí tại các bệnh viện và nhà dưỡng lão. Cô đã thay thế từ bệnh tật thành cơ hội và mở rộng chân trời cuộc sống. Từ ngữ có sức mạnh thật diệu kỳ!

Lợi ích lâu xa và lợi ích tức thì

Nếu có thể phát triển những cảm giác an lạc, buông bớt bám chấp hoặc không hề bám chấp, chúng ta sẽ có được sức khỏe và hạnh phúc. Kể cả khi chúng ta không thể chữa lành một vấn đề cụ thể nhưng vẫn đảm bảo có được lợi ích bằng cách này hay cách khác, ngay lúc này hoặc lúc khác. Các tín đồ Phật giáo tin rằng lợi ích của hành vi thiện và tâm an bình thậm chí còn có thể vượt ra ngoài kiếp này và xuất hiện trong kiếp sau hay trong vô lượng kiếp sau.

Cũng như hạt giống bất ngờ ra hoa, những hành vi tích cực đôi khi có thể khiến chúng ta ngỡ ngàng. Khi người bạn Richard của tôi nhập viện ở Boston vào tháng 12 năm 1997 để điều trị bệnh ung thư, ông mang theo một bức hình Bồ Tát (Avalokiteshvara) nhỏ và giữ nó cạnh giường. Tim ông bị ngừng đập trong khi đang lấy tủy xương nhưng ông đã được cứu sống nhờ một đội ngũ có tay nghề cao tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi.

Khi được đưa trở lại phòng bệnh viện, ông vẫn chưa hoàn toàn hết thuốc mê. Tuy nhiên, khi y tá của Richard, một người Công giáo Ai Len, hỏi về bức hình Bồ Tát, ông đã giải thích rất sâu rộng về cách sử dụng và tầm quan trọng của bức hình đó trong vòng 30 phút. Vợ của ông, Paulette, ngồi bên cạnh giường, lấy làm ngạc nhiên trước cuộc trò chuyện của chồng mình với người y tá.

Vài ngày sau đó, khi tôi đến thăm, Paulette đã kể lại cuộc hội thoại này cho ông nghe nhưng ông không thể nhớ điều gì về bản thân. Ông nói với tôi:

Tôi là một thiền giả, và tôi đã rất ít khi hành thiền cầu nguyện bằng hình ảnh và trì tụng. Do đó, tôi đã tưởng pháp thiền cầu nguyện thực hành sẽ không có tác động nhiều. Nhưng giờ tôi biết rằng cái mà mình ít làm đó lại in một dấu ấn lớn ở một mức độ sâu hơn trong tâm.

Những gì tôi nói với người y tá xuất phát từ tâm một cách tự nhiên mà không cần hoặc cần rất ít nỗ lực tư duy. Đó là thứ gì đó đã ngấm vào tôi ở một tầng thức sâu hơn. Giờ đây, khi cái chết đến, tôi đoán chắc rằng kết quả thiền định của mình, những hình ảnh Phật và lời cầu nguyện sẽ sống trong tôi để chuyển hóa nhận thức của mình – từ đau đớn thành an bình, từ mê mờ đến giác ngộ. Tôi nói với Richard:

Có câu chuyện dân gian Ấn Độ tương truyền rằng có một người sống trong một bộ lạc. Mặc dù anh nói rất trôi chảy ngôn ngữ của bộ lạc đó nhưng người trong bộ lạc vẫn tìm kiếm những điều nhỏ nhất của anh trong cách ứng xử hằng ngày mà mâu thuẫn với cách sống của họ. Một ngày nọ, vài người quyết định thử nghiệm anh. Họ trùm kín mặt, mang gươm và rìu, sau đó họ núp trong bụi cây phía bên kia con đường và đợi anh. Khi anh cưỡi ngựa ngang qua đó, họ nhảy ra và giả vờ đánh cướp. Ngay lúc đó anh thốt lên bằng tiếng của một bộ lạc khác: “Chúa ơi!”. Thế là họ yêu cầu anh rời khỏi bộ lạc vì anh đã lừa dối họ.

Câu chuyện dân gian này chứng minh một điều quan trọng: cấu trúc bề ngoài của văn hóa hay đời sống thường nhật cho dù nhìn vững chắc đến đâu cũng chỉ như ảo ảnh mà thôi. Khi nó sụp đổ, bất cứ thứ gì bên trong được gieo tận sâu trong tâm ta sẽ hiện ra.

Vì vậy, nếu cuộc sống của mình sụp đổ, chúng ta sẽ vui mừng cho bất kỳ trải nghiệm nội tâm tích cực nào mình đã tạo ra. Một cơn khủng hoảng lớn như sức khỏe yếu kém có thể là chất xúc tác mang lại niềm hỷ lạc được gieo tận bên trong chúng ta thông qua thiền định. Và rõ ràng cõi Tịnh Độ sẽ xuất hiện.

Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Mộc Tử Phương Lan

Trích tác phẩm: Độ sinh vô biên – Nhà xuất bản Thời Đại