CHIA SẺ

Khyentse-2Ngày nay chúng ta thấy rất nhiều các bậc thầy khao khát đang thu thập những tài liệu cá nhân như thu giới thiệu và các tài liệu xác nhận tính xác thực của họ từ các bậc thầy cấp cao. Trong quan điểm triết học Kim Cương thừa, đây là điều kì dị nhất. Nó giống như đi xin cấp một chứng chỉ khẳng định rằng bạn sẽ trở thành một người bạn tâm hồn tốt hoặc chứng nhận rằng bạn xứng đáng với một tình yêu lãng mạn. Tất cả những công cụ này, chứng chỉ và bằng cấp, chỉ làm vấn đề phức tạp thêm bởi chúng tự nhiên trở thành những điểm tham chiếu. Và chúng không nhất thiết là xác thực, ngày nay bất cứ thứ gì đều có thể mua được bằng tiền.

Dường như có một nhóm người nào đó mong muốn thảo ra một bản mô tả công việc cho các bậc thầy để họ có thể trở nên đáng tin cậy hơn. Nhưng các học viện và chứng chỉ sẽ không hoạt động hiệu quả với một bậc thầy Mật thừa. Bản mô tả công việc và giấy chứng nhận đạo sư Kim Cương thừa là điều không thể được nghe nói đến cách đây một ngàn năm, hoặc thậm chí chỉ một trăm năm. Chắc chắn người ta đã không trao chứng chỉ chứng nhận bậc thầy ở thời của Naropa hay Đức Liên Hoa Sinh.

Không có nghi ngờ gì rằng Naropa là một bậc vĩ đại. Ngài là hiệu trưởng của trường đại học Nalanda danh tiếng. Nhiều vị vua đã khảo sát đại học Nalanda và gửi con cái họ đến học với những học giả vĩ đại nhất từ khắp nơi. Là người đứng đầu một trường đại học như vậy là giữ một vị trí cao quý nhất có thể. Nhưng Naropa không bị cuốn vào những thành tựu thế tục, vì thế ngài đã rời bỏ vị trí. Đây chính là điểm mà sự cao quý thực sự có thể tồn tại: sự ra đi của ngài.

Hãy tưởng tượng chủ tịch đại học Bắc Kinh hoặc Harvard bỏ việc và đi đến những khu ổ chuột, dành thời gian nói chuyện với những người vô gia cư và những cô gái điếm hết đêm này đến đêm khác, tìm thấy nhiều giá trị và ý nghĩa ở đó hơn bất cứ giảng đường hoặc thư viện nào. Naropa đã tìm kiếm những điều cao cả hơn, những điều mà không được dạy tại các trường đại học, những điều vượt ra ngoài logic thông thường. Và vì điều này, ngài không cần đến một chứng chỉ.

Naropa cũng không hề tìm kiếm công việc mới như một bậc thầy. Ngài đã trở thành bậc thầy chỉ vì người học trò của ngài là Marpa đã tìm thấy ở ngài những phẩm chất của tình yêu thương, lòng bi mẫn, trí tuệ, sự quan tâm, và những phương tiện thiện xảo. Marpa đã quy hàng hoàn toàn thân, khẩu, ý của mình với Naropa. Nhờ đó, Naropa trở thành một bậc thầy, và dòng truyền thừa Kagyu được sinh ra, với Tilopa và Naropa được xem là những người sáng lập.

Naropa biết rằng mục đích duy nhất của thực hành giáo pháp là giải thoát cho bản thân và cho tất cả hữu tình chúng sinh. Mục đích thực hành sẽ không bao giờ là trở thành một bậc thầy giảng pháp. Nhưng ngày nay, với cái có là cần quảng bá giáo pháp, ý niệm về một giảng viên Phật giáo cứ tiếp tục này sinh khắp hang cùng ngõ hẻm.

Đức Dzongsar Jamyang Khyentse

Trích: Đạo Sư Uống Rượu; Pema Trần dịch; Công ty Cổ Phần Sách Thái Hà; NXB. Hà Nội