CHIA SẺ

123

Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ – Sáng nay, sau khi bước vào căn phòng để phát trực tuyến, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng lặng lẽ suy ngẫm về những hình ảnh của các thành viên khán giả của Ngài tại ba địa điểm ở Mông Cổ – Ulaanbaatar, Erdenet và Bayankhongor . Sau đó Ngài vẫy tay chào họ và an toạ.

Lamiin Gegeen Rinpoché dâng lời chào đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi bắt đầu buổi nói chuyện trực tuyến về Phật giáo và Khoa học tại Dinh thự của Ngài ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 11 tháng 3, 2021.

Lamiin Gegeen Rinpoché dâng lời chào đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi bắt đầu buổi nói chuyện trực tuyến về Phật giáo và Khoa học tại Dinh thự của Ngài ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 11 tháng 3, 2021. Ảnh của Thượng toạ Tenzin Jamphel

Một phụ nữ trẻ người Mông Cổ – người điều phối sự kiện – đã giới thiệu Lamiin Gegeen Rinpoché – người nói bằng tiếng Tây Tạng – thay mặt cho toàn thể người dân Mông Cổ kính chào mừng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Rinpoche đề cập đến việc họ đã biết ơn như thế nào khi Ngài hứa khả sẽ giảng dạy cho họ vào tháng 12 năm ngoái, nhưng vì đại dịch Covid nên sự kiện này đã không thể tiến hành được. Ông cũng cảm ơn Ngài về việc hôm nay đã đồng ý nói chuyện với những người trẻ tuổi Mông Cổ về Phật giáo và Khoa học.

Tiếp theo, Tổng thư ký Hội sinh viên Mông Cổ đã thay mặt cho Sinh viên Mông Cổ chào mừng Ngài.

Ngài bắt đầu, “Hôm nay, những gì mà chúng ta nghĩ đến như là Miền Đất vĩ đại của Mông Cổ – thì gồm có Ngoại Mông và Nội Mông, Kalmykia, Buryatia và Tuva. Đó là nơi có một số lượng lớn người dân tộc Mông Cổ sinh sống cùng với những người mà chúng tôi có mối quan hệ lịch sử bền chặt – tôi xin gởi lời chào đến tất cả quý vị.

“Đức Phật đã tiên tri rằng Giáo Pháp của Ngài sẽ đi từ miền Bắc sang phương Bắc, mà chúng ta hiểu trước hết là đến Tây Tạng và sau đó là đến Mông Cổ. Trong lịch sử, người Mông Cổ là những người theo đạo Phật và đã có những mối liên hệ độc đáo giữa chúng ta.

“Ngài Gendun Drub – Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất – đã theo học với Jé Tsongkhapa và cầu nguyện để có thể truyền bá Giáo Pháp của Ngài. Ông đã thành lập Tu viện Tashi Lhunpo và mở rộng ảnh hưởng của mình ra khắp Tsang. Gendun Gyatso đã thành lập Tu viện Chökhorgyal, kết hợp với Palden Lhamo, và có ảnh hưởng ở Lhoka và Dagpo. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ ba, Sonam Gyatso đã đến Mông Cổ để truyền bá giáo lý bằng cách khuyến khích về học tập (văn), suy tư (tư) và thiền định (tu). Ngài được trao danh hiệu là Đạt Lai Lạt Ma. Đây là cách mà người Mông Cổ đã phát triển mối liên hệ đặc biệt đối với Đạt Lai Lạt Ma.

“Có thời điểm đã từng có 100.000 Tăng Sĩ trong cả nước, nhưng trong thế kỷ 20, quý vị đã phải đối mặt với những đau khổ và khó khăn rất lớn. Khi tôi đã có thể đến Mông Cổ lần đầu tiên, tôi đã chứng kiến được niềm tin tuyệt vời của quý vị. Tôi ngồi trên Pháp tòa ở Tu viện Gandan trong khi các vị Tôn đức Viện chủ và chư Tăng đã khóc khi họ thành tâm đọc những lời cầu nguyện và tôi cũng không thể không thể kiềm được nước mắt.

“Tuy nhiên, niềm tin không phải là tất cả. Chính Đức Phật đã khuyên:
“Hỡi chư Tăng và các hàng Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách cắt chặt, cọ xát và đốt nung,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra, nghiệm dụng;
Rồi mới chấp nhận, chứ đừng chỉ vì lòng ái mộ tôn sùng!”

Niềm tin tốt nhất là nên dựa trên nền tảng của sự hiểu biết.

“Phật giáo cũng lan truyền đến Sri Lanka, Miến Điện, v.v., nơi mà những người theo Truyền thống Pali chủ yếu dựa vào những lời Đức Phật đã dạy. Tuy nhiên, tại Tây Tạng, Hoàng Đế Trisong Detsen đã thỉnh Ngài Tịch Hộ từ Ấn Độ sang. Ngài đã giới thiệu Truyền thống Nalanda nhấn mạnh về việc nghiên cứu Giáo Pháp qua lăng kính logic và lý luận. Đây là phương pháp đã được truyền bá sang Mông Cổ.

“Người Tây Tạng trong quá khứ không có mối liên hệ với các nhà khoa học; và có những người ở Trung Quốc đã bác bỏ Phật giáo Tây Tạng vì cho rằng nó bắt nguồn từ niềm tin mù quáng. Tuy nhiên, khi sống lưu vong, chúng tôi đã gặp gỡ các học giả và các nhà khoa học và nhận ra rằng, sự nghiêm khắc của Truyền thống Nalanda không chấp nhận mọi thứ qua giá trị bề mặt bên ngoài; điều này tương thích với phương pháp khoa học. Trong các cuộc thảo luận với các nhà khoa học, chúng tôi đã học được nhiều điều, nhưng họ không có nhiều kiến thức để nói với chúng tôi về mặt tâm lý học cũng như về phương cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc.

“Điều quan trọng là phải hiểu được phương pháp lý luận của Truyền thống Nalanda và cũng đánh giá cao điều đó bằng cách tích hợp những gì chúng ta học được cho chính bản thân mình, thì chúng ta sẽ có được sự an lạc nội tâm. Cũng như việc tuân thủ vệ sinh cơ bản để giữ gìn sức khỏe thể chất, chúng ta có thể học cách áp dụng vệ sinh cảm xúc để đoạn trừ sự sân giận, sợ hãi và lo lắng. Một phần của điều này cũng liên quan đến việc trưởng dưỡng lòng từ bi, đó là tinh tuý của những điều Đức Phật đã dạy.

“Bất cứ khi nào quý vị có cơ hội, sẽ rất tốt nếu như những người trong số quý vị ở Ngoại Mông có thể giúp đỡ những người ở Nội Mông và Mãn Châu – những người theo truyền thống Phật giáo.

“Chúng tôi đã xuất bản những cuốn sách biên soạn về khoa học và triết học Phật giáo như đã được tìm thấy trong các tuyển tập văn học của Kangyur (Kinh Tạng) và Tengyur (Luận Tạng). Những cuốn sách này đã được dịch sang các ngôn ngữ khác bao gồm cả tiếng Trung Quốc. Tôi đã nhận được báo cáo rằng, một số giáo sư ở các trường Đại học Trung Quốc đã đọc những cuốn sách này và đã bị ấn tượng bởi phương pháp khoa học của Phật giáo Tây Tạng và Truyền thống Nalanda mà Phật Giáo Tây Tạng đã dựa trên nền tảng đó.”

Ngài nói với khán giả của mình rằng đó là những điều mà Ngài cần phải nói; và Ngài mời họ đặt câu hỏi. Trong câu trả lời đầu tiên về cách dung hòa Phật giáo với khoa học hiện đại, Ngài giải thích rằng Phật giáo có thể được coi là khoa học về tâm thức vì nó chỉ ra phương pháp giải quyết những cảm xúc phiền não một cách khoa học. Ngài lưu ý rằng, khoa học – nói chung – đề cập đến những điều rõ ràng đối với các giác quan của chúng ta, nhưng khi họ bắt đầu quan tâm đến những hoạt động của tâm thức, thì các nhà khoa học sẽ bị thu hút bởi những điều mà Phật giáo đã đề cập đến. Trong khi đó, khoa học thì lại mâu thuẫn với vũ trụ học Phật giáo truyền thống.

Ngài đề cập rằng, vật lý lượng tử khẳng định rằng mọi thứ không tồn tại như chúng xuất hiện, và có một khoảng cách giữa sự xuất hiện bề ngoài và thực tế. Điều này là rõ ràng ở cấp độ hạ nguyên tử. Ngài nhớ lại nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng người Ấn Độ – Raja Ramanna – đã nói với Ngài rằng, trong khi những nghiên cứu về vật lý lượng tử là điều vẫn còn mới mẻ đối với phương Tây, thì những ý tưởng làm nền tảng cho chúng đã được biết đến ở Ấn Độ từ hơn 2000 năm trước. Ông trích dẫn các bài Kệ trong tác phẩm của Ngài Long Thọ để làm rõ quan điểm của mình.

Ngài nhắc lại rằng, khi khoa học chủ yếu quan tâm đến các đối tượng vật chất, thì Phật giáo lại tập trung vào sự hoạt động của tâm thức và giải quyết những cảm xúc phiền não. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận ra tính đồng nhất của nhân loại, rằng vì mỗi con người đều mong muốn hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau, cho nên tất cả chúng ta đều cần phải tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Ngài nói thêm rằng trong bối cảnh này, Phật giáo – giống như khoa học – sử dụng lý trí và sự nghiên cứu kiểm chứng.

Một câu hỏi về việc chăm sóc người cao tuổi đã gợi lên trong Ngài sự biết ơn về tấm gương mà những người lớn tuổi đã nêu ra và những lời khuyên mà họ có thể ban cho. Tuy nhiên, vì họ không còn có thể làm việc và tự chăm sóc bản thân mình như lúc còn trẻ, cho nên điều quan trọng là chúng ta cần phải phục vụ và giúp đỡ họ.

Khi được thỉnh cầu định nghĩa về người Phật tử của thế kỷ 21, Ngài gợi ý rằng, đó là một người sẽ chấp nhận những phát hiện khoa học hơn là tuân theo vũ trụ học Phật giáo truyền thống một cách mù quáng. Ngài tiếp tục, là một Phật tử của thế kỷ 21 cũng liên quan đến việc tìm hiểu về các trạng thái khác nhau của tâm thức về mặt logic và lý luận. Ngài nhớ lại kinh nghiệm học hỏi về tâm thức và nhận thức cũng như lý luận và logic khi Ngài còn thơ ấu.

Mặc dù những truyền thống này đã được duy trì gìn giữ trong các Tu viện và Ni viện Phật giáo, nhưng kiến thức liên quan có thể được giảng dạy trong các trường học và các trung tâm học đường khác. Ngài tuyên bố rằng, truyền thống Phật giáo, đặc biệt khi nó tập trung vào Bát nhã Ba la mật, triết học Trung quán, nhận thức luận và logic – là điều đáng tự hào. Đây là điều mà chư Tăng Ni Mông Cổ và Tây Tạng nghiên cứu. Ngày nay, có khoảng 1000 Tăng Sĩ Mông Cổ đang tu học tại Ấn Độ, hầu hết tại các Tu viện Drepung Gomang, Sera-jé, Gyumé và Gyutö. Họ khám phá ra rằng khoa học hiện đại và Phật giáo không hề mâu thuẫn với nhau và dựa vào nền tảng logic và lý luận đã mang lại sự cởi mở thoáng đạt.

Nhận xét về sự mê tín, Ngài đã đề cập rằng, khi còn nhỏ, Ngài đã bị trêu chọc về việc có ma trong các hành lang tối tăm của Cung điện Potala. Ngài kể một câu chuyện về Đức Milarepa đã ở một mình trong hang động của Ngài. Có một lần, Ngài cảm thấy ớn lạnh như có một Bà Kẹ xuất hiện như một con chó và cắn Ngài. Bà Kẹ quở trách Ngài và nói rằng chỉ vì Ngài mê tín nên Ngài mới bị gặp Bà Kẹ.

Cuối cùng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được hỏi liệu có cần phải là một Phật tử để học hỏi về Phật pháp hay không. Ngài trả lời rằng nếu bạn tin vào sự tái sinh, sự giải thoát và sự toàn tri, thì bạn là một Phật tử. Tuy nhiên, cũng như bạn không cần phải là một Phật tử để trở thành một người có đạo đức hoặc một người đức hạnh, bạn không cần phải là một Phật tử để học cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình và để đạt được sự bình yên trong tâm hồn.

Điều phối viên đã kết thúc buổi nói chuyện bằng cách cảm ơn Ngài đã ban Pháp thoại cho các học trò Mông Cổ. Cô nguyện cầu Ngài trường thọ. Ngài đáp bằng lời “Cảm ơn! hẹn gặp lại vào ngày mai!”

Đức Dalai Lama XIV

Nguồn: Văn phòng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma