CHIA SẺ

Hình-Phật-đẹp-HD-1

Chúng ta đã nhận thấy sự chấp ngã tạo ra những khó khăn như thế nào, và chúng ta có thể làm dịu những khó khăn bằng việc phát triển những thái độ và những khéo léo để buông bỏ sự chấp ngã này. Bây giờ chúng ta hãy tập trung kỹ lưỡng hơn nữa về một số kỹ thuật thực hành trong việc ứng xử với những vấn đề khó khăn.

Sự tránh né

Thông thường chúng ta đối mặt với khó khăn để chữa lành chúng, nhưng không phải là luôn luôn. Đôi khi sự giải quyết tốt nhất là tránh né. Chẳng hạn, nếu khó khăn của bạn nhẹ nhàng hay tạm thời – không phải là thói quen có gốc rễ sâu hay một cảm giác đau trầm trọng – bỏ qua (lờ đi) chúng sẽ là giải pháp thích hợp và đúng đắn. Không cần thiết hay đáng giá để phải tận lực làm mất nhiều năng lực với những vấn đề như vậy. Nếu chúng ta không để ý tới chúng, những vấn đề đó sẽ bỏ ra đi.

Vào những thời điểm khác, phải né tránh những khó khăn nếu chúng ta không sẵn sàng đối diện với chúng, giống như một người lính tạm thời về hậu phương hay nghỉ ngơi trước khi giao tranh. Nếu khó khăn mạnh mẽ, gay gắt và mới mẻ trong tâm trí, bạn không đủ sức mạnh để đối diện hay áp dụng bất cứ sự luyện tập nào trực tiếp xoa dịu chúng. Đối mặt với chúng quá sớm có thể làm kích động mạnh đau đớn và làm cho vấn đề khó khăn hơn là chính bản thân nó. Trong trường hợp này, tối thiểu vào lúc đó, cách thích hợp để làm việc với chúng là tránh nghĩ về chúng. Sau đó, khi bạn lấy lại bình tĩnh và sức mạnh tinh thần, bạn phải cố gắng giải quyết khó khăn hay giải phóng nó qua thiền định.

Tuy nhiên, với một số người trong chúng ta có tâm thức mạnh mẽ và hoang dã, sẽ có ích lợi khi không chỉ nhìn thấy khó khăn của mình mà còn cảm nhận và kinh nghiệm đau khổ một cách sâu sắc. Nếu chúng ta thuộc loại người cảm thấy rằng mình luôn luôn đúng và người khác sai, sự kiêu mạn làm chúng ta mù quáng không thấy những vấn đề của mình. Vậy việc đối diện tức khắc với đau khổ hơn là lẫn tránh nó, có thể xúc chạm đến cái cốt lõi của đời sống của bạn, đem bạn trở lại với những nhận thức xác thực của mình và tập trung sự chú tâm của bạn theo hướng đúng.

Đôi lúc, sự tránh né là cách giải quyết tốt nhất cho những thương tổn ở quá khứ. Thậm chí nếu bạn còn tàn dư của một sự đau đớn, hiệu quả sẽ giảm bớt nếu cái kinh nghiệm tiêu cực được một kinh nghiệm tích cực mạnh mẽ theo sau nó. Trong trường hợp đó, khó khăn có thể phần nào trung hòa. Sau đó, thay vì tái tạo lại khó khăn, điều tốt nhất là chỉ tiếp tục với những kinh nghiệm tích cực.

Sự công nhận và sự nhận lấy 

Đôi khi chỉ nhìn vào một vấn đề, chúng ta có thể gạt bỏ nó trong một cái nhìn thoáng qua như một việc không quan trọng và tiếp tục với cuộc sống mình. Nhưng những vấn đề khác cần phải hoàn toàn đối mặt để chữa lành. Những bài tập chữa lành nhằm mục đích này. Nhưng trước khi chữa lành, bước đầu tiên là sự công nhận và nhận lấy.

Nhiều người cố thử xua đi hay kềm chế những vấn đề lớn hay đè nén chúng. Chúng ta biết rằng bám chấp làm cho vấn đề tồi tệ hơn, và sự đè nén cũng vậy. Nó là một dạng khác của chấp ngã, vì chúng ta đang gán tên vấn đề như là một cái gì đó phải tránh bằng mọi giá. Chừng nào còn bám vào quan điểm tiêu cực này, chúng ta tự bó hẹp thật tánh mình bằng sự xua đi cái ta không muốn. Cố gắng vứt bỏ đi những vấn đề cần được chữa lành, có thể ngó lơ chúng trong một lúc, nhưng chúng thường tái xuất hiện dưới một dạng mạnh mẽ và độc hại hơn với sự lơ là của chúng ta.

Nếu chúng ta không nhận ra vấn đề mà cố gắng che đậy chúng, đó cũng giống như thực hiện một cuộc phẫu thuật mà lại nhắm mắt. Để tìm thấy phương thuốc, chúng ta cần nhìn thấy và chấp nhận vấn đề rõ ràng nó là gì.

Cùng lúc, không cần phải làm rắc rối thêm vấn đề của mình, ngay cả khi chúng có vẻ nghiêm trọng, bằng cách phóng đại những khó khăn trong tâm trí mình. Thậm chí nếu phiền não làm đảo lộn chúng ta, có thể sử dụng trí năng để tự nhủ rằng chúng ta có thể đối xử với khó khăn, có thể tự nhắc mình rằng nhiều người khác đã ứng xử thành công với những khó khăn giống như chúng ta. Thậm chí việc nhớ lại rằng chúng ta có trí huệ, sức mạnh, khả năng hồi phục bên trong lớn lao đã có thể giúp ích nhiều hơn, dù chúng ta không luôn luôn cảm thấy hay biết được điều này vì những phiền não trên bề mặt ngoài của ta. Nếu chúng ta nhạy cảm và xúc cảm quá mức về những vấn đề của mình, bánh xe đau khổ chỉ chạy nhanh hơn. Ngài Shantideva viết :

Nóng, lạnh, mưa, gió và bệnh tật
Băng bó, đánh đập và v.v…
Với chúng, bạn không nên quá nhạy cảm
Còn nếu bạn như vậy, những khó khăn do chúng tạo ra
sẽ gia tăng.

Sau khi nhận ra một vấn đề, chúng ta cần phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để bốc thuốc cho nó. Chúng ta phải thiết tha và tự tin có thể cải thiện được cuộc sống mình. Một số người vô ý thức, hay thậm chí ý thức, bám chấp vào những vấn đề của họ. Một số người nói : “Tôi thích sự rối loạn, nó thêm gia vị cho cuộc sống.” Nhưng có lẽ, cái thực sự họ nói có nghĩa họ chịu đau khổ nhiều hơn. Mục đích của chúng ta là phải chữa lành sự đau khổ của mình.

Nếu chúng ta quyết tâm chữa bệnh, mỗi một vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn để đối xử và để dung thứ, và có thể những cái khác mà chúng ta nghĩ rằng thường còn và không giải quyết được sẽ biến mất không dấu vết. Trước khi đối mặt với những khó khăn lớn, chúng ta cần phải khéo léo và hết mình, và khi đó là lúc chúng ta có thể tự giúp mình bằng cách bắt đầu ngay lập tức. Như Ngài Shantideva nói :

Nếu bạn đã tu tập,
Không có cái gì không trở nên dễ dàng.
Trước hết, tập chịu những vấn đề nhỏ
Về sau bạn có thể chịu những vấn đề lớn lao.

Tìm thấy nguồn

Khi gốc rễ của mọi đau khổ là chấp ngã, chúng ta sẽ muốn tìm ra nguồn gốc đặc biệt của vấn đề trong tầm tay. Như một sự trợ giúp để nhận ra một vấn đề, bài tập này có ích lợi. Hãy ngồi ở một nơi tiện lợi, ít bị xao lãng. Thả lỏng thân và tâm. Hít vài hơi thở sâu và hình dung mọi lo nghĩ thoát ra khỏi cùng với hơi thở. Cảm thấy an bình, trong sáng và trống trải. Hãy buông lỏng trong trạng thái an bình này trong một lúc. Rồi, chầm chậm nhìn vào vấn đề bạn đang đối mặt. Hãy thấy và cảm nhận nó. Hãy nhận biết sự hiện diện của nó.

Hãy nhớ lại vấn đề này bắt đầu phát xuất ở đâu, khi nào, như thế nào. Trong tâm thức bạn, chậm chậm đi lui lại thời gian ban đầu có thể được, nơi chốn và ngọn nguồn của đau khổ. Hãy thấy hình dạng, màu sắc, nhiệt độ và định vị vấn đề tới mức có thể.

Việc trở lại nguồn gốc khởi thủy của những vấn đề có một số lợi ích. Trước hết, chỉ bằng tham thiền về những nguyên nhân và cảm nhận chúng, chúng ta đã chữa lành. Thứ hai, việc trở lại quá khứ phát sinh một cảm thức và khoảng không lớn hơn sự nhận biết hiện giờ của chúng ta, và bằng sự mở rộng khoảng không nhiều hơn và viễn cảnh rộng lớn hơn chúng ta sẽ cảm thấy ít lo lắng về những vấn đề đặc biệt này. Cuối cùng, bằng việc đi đến tận gốc rễ, chúng ta có thể nắm vững vấn đề trần trụi tại nguồn gốc của nó và nhổ gốc nó như nhổ cỏ, nhờ những bài tập chữa lành.

Chúng ta không phải bị ám ảnh bởi sự tìm thấy và hoàn toàn hiểu rõ được gốc rễ của mỗi vấn đề ; hơn nữa chúng ta phải làm việc với nguyên nhân như nó tự bộc lộ vào lúc đó.

Bên cạnh đó, chúng ta phải thực hành tâm bi hướng về chính chúng ta và những người khác trong quá trình này. Ví dụ, nếu chúng ta thấy cha mẹ tạo ra những lầm lỗi làm tổn hại đến chúng ta thì chúng ta phải thấy rõ ràng điều này. Đồng thời chúng ta cũng phải nhớ rằng họ cũng nô lệ cho tham, sân, si như mọi người khác, trong đó có chúng ta. Chúng ta phải cảm thấy thiện cảm đối với họ, và cũng vui thích có cơ hội để phá vỡ xiềng xích vô minh nó đã làm hại những cha mẹ và con cái trong gia đình chúng ta trong nhiều thế hệ. Phản ứng của chúng ta là : “Thật tuyệt vời khi tôi thấy được điều này bây giờ và có thể chữa lành được độc tố đã làm hại đến gia đình chúng ta cả một thời gian dài !”

Giải thoát những vấn đề qua cảm nhận

Khi quan hệ giữa những vấn đề và nguồn gốc của chúng, chúng ta phải thấy chúng một cách khách quan – chúng là gì và xuất hiện thế nào – mà không phải chúng ta gán tên cho chúng một cách tiêu cực. Nếu không thì sự tu tập của chúng ta có thể phát động một chu kỳ phiền não và đau khổ khác.

Đây là một ví dụ đơn giản : Nếu bạn bị đau đầu, bạn cần biết cái gì là sai và nguyên nhân là cái gì. Tương tự, nếu bạn có một vấn đề với một người bạn, cần biết và hiểu rõ vấn đề sẽ tốt để bạn có thể bắt đầu đối xử với nó. Nhưng bạn thấy và cảm giác vấn đề một cách ý niệm và tình cảm như là “xấu”, “khủng khiếp” và “không thể chịu được” v.v… bấy giờ một khó khăn tương đối nhỏ sẽ phát triển thành đám cháy rừng. Cách để đối xử với những vấn đề tình cảm là nói “Tôi nhức đầu, nhưng tốt thôi” hay tối thiểu là “Tôi nhức đầu, nhưng tôi kiểm soát được nó”, hoặc “Nó khá đau, nhưng bất cứ ai cũng có thể bị, không lúc này thì lúc khác.”

Trong việc chữa bệnh, không có cảm xúc nào hay những nhu cầu căn bản nào là sai lầm hoặc cần phải từ bỏ. Chúng ta phải chấp nhận sự hiện hữu của cảm giác của chúng ta, tiếp đón và đem chúng lên bề mặt để chúng có thể giải thoát. Nếu việc luyện tập khuấy dậy đau đớn phiền não, hãy nhìn nó là tích cực, vì sự đau khổ ám chỉ rằng sự tu tập có một tác động và quá trình làm lay động này đang xảy ra. Việc cảm thấy buồn về những vấn đề khó giải quyết là tốt. Hãy cho phép bạn tự cảm nhận và diễn tả nỗi buồn theo cách tiếp xúc được với gốc rễ của vấn đề, để nhổ bật gốc rễ của đau khổ khỏi hệ thống của bạn. Nếu nước mắt chảy, hãy để cho mình khóc. Khóc giải thoát cho căng thẳng tinh thần, áp lực thân xác và những chất độc tạo ra khi chúng ta kềm giữ đau khổ bên trong.

Kể lại những vấn đề của mình cho người biết lắng nghe cũng giúp cho đau khổ giảm nhẹ. Nếu chúng ta diễn tả tư tưởng của mình tự nhiên và thật thà mà không bám chặt, che dấu hay phòng thủ trước sự đau khổ thì việc chữa lành sẽ tốt hơn cho chúng ta. Nếu chúng ta giải phóng áp lực bằng việc thở sâu và khóc, đó cũng là một phần của việc chữa lành.

Chúng ta phải cảm thấy những phiền não khi chúng khuấy động, nhưng không được vướng mắc vào đau khổ hay để vấn đề gây tác động mạnh hơn mức cần thiết lên chúng ta, làm cho những gốc rễ mọc sâu hơn vào tâm thức và làm mạnh mẽ những thái độ tiêu cực và có lẽ thậm chí những biểu hiện trên thân thể. Vậy ý tưởng là phải xóa đi đau khổ, không nên đào quá sâu đến độ chúng ta tự làm tổn thương mình. Lo nghĩ về những bối rối của mình chỉ làm những vấn đề thêm tồi tệ chứ không tốt hơn. Như Ngài Dodrupchen nói :

Nếu chúng ta không cảm thấy lo lắng về những vấn đề, sức mạnh của tâm có thể giúp chúng ta chịu đựng ngay cả những đau khổ to lớn một cách dễ dàng. Chúng ta sẽ có thể cảm nhận chúng là ánh sáng và không thể chất như bông vải. Nhưng nếu chúng ta chất chứa lo lắng, nó sẽ tạo ra dù những đau khổ nhỏ nhưng khó chịu đựng. Ví dụ, khi ta nghĩ về vẻ đẹp của một cô gái, dù nếu chúng ta cố gắng thoát khỏi tham dục, ta cũng bị đốt cháy. Tương tự, nếu chúng ta tập trung trên những đặc tính của đau khổ, chúng ta sẽ không thể phát triển sự chịu đựng với chúng.

Khi đau khổ, chúng ta cần phải rộng mở và chớ cố gắng đẩy cảm giác ta vào một số dạng ước ao khô cứng. Một số vấn đề được chữa lành trong chốc lát, một số khác có thể mất một thời gian dài. Ví dụ, buồn phiền có thể là một cảm xúc rất lớn, chúng ta phải để cho nỗi buồn có khoảng không tự nhiên của nó để lành và không phải tự đặt thời khóa biểu cho mình. Cố gắng hối hả làm giảm nỗi buồn cũng giống như ta mong muốn dòng sông ngừng chảy theo ý mình. Dòng sông phải chảy và cuối cùng theo hướng của nó. Nếu chúng ta đòi hỏi thu xếp nhanh chóng hay loại bỏ nỗi buồn gấp gáp, nó có thể trở nên chìm lặn xuống khiến chúng ta tổn thương trong nhiều năm.

Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche

Nguyên tác: Năng lực chữa lành của Tâm

Việt dịch: Tuệ Pháp 

Nhà xuất bản: Thiện Tri Thức