CHIA SẺ

s0BsU7sCần phải hiểu thực tại như thế nào? Theo đạo Phật, đó là bản chất chân thật của vạn vật, không bị bóp méo bởi những tạo dựng của tâm thức khiến cho ta thấy vạn vật không đúng với sự thật về chúng. Sự lệch lạc này không ngừng làm nảy sinh những mâu thuẫn xung đột với thế giới. Thật vậy, chúng ta thường nhìn thế giới bên ngoài như là một tập hợp các thực thể độc lập và gán cho chúng những thuộc tính dường như là cố hữu, như tự chúng có. Trong con mắt của chúng ta, vạn vật tỏa ra “hay” hoặc “dở”, và con người cơ bản là “xấu” hoặc “tốt”. “Cái tôi” nhìn những thứ đó khiến chúng ta cảm thấy vừa thật, lại vừa cụ thể. Sự nhầm lẫn do thiếu hiểu biết mà đạo Phật gọi là vô minh này làm nảy sinh những phản xạ yêu thích và ghét bỏ, thường dẫn tới một chuỗi khổ đau.

Theo phân tích của đạo Phật, thế giới được tạo thành từ vô lượng những nguyên nhân và điều kiện liên tục biến đổi. Giống như cầu vồng được hình thành đúng vào lúc mặt trời chiếu sáng trên một màn mưa, và biến mất ngay khi một trong những yếu tố hình thành ra nó không còn nữa. Các hiện tượng tồn tại theo phương thức chủ yếu là phụ thuộc lẫn nhau, và vì vậy, không tự tồn tại mãi mãi. Vì thế thực tại tối hậu là cái mà người ta gọi là không có tự tính của các hiện tượng hữu sinh và vô sinh. Mọi thứ đều là quan hệ, không có cái gì tự nó tồn tại và tồn tại cho bản thân nó hết. Khi đã hiểu và nhập tâm khái niệm cơ bản này, chúng ta sẽ hiểu đúng về bản chất của vạn vật và con người, thay vì quan niệm sai lầm của mình về “cái tôi”. Đó là suy nghĩ đúng đắn (chánh tư duy). Hiểu biết này không phải là một tạo dựng đơn thuần của tâm thức, cũng không phải là một tập hợp các thông tin; nó là kết quả của một phương pháp cơ bản, cho phép loại trừ dần dần tình trạng mù quáng của tâm và những cảm xúc gây rối loạn sinh ra từ đó, và nhờ thế, loại trừ những nguyên nhân chính khiến chúng ta bất hạnh.

Bước thiền quán tiếp theo nhằm mục đích giúp chúng ta chuyển hóa cách nhìn của mình về thực tại; nó được mô tả bằng từ ngữ hiện thời, song dựa trên các phân tích cổ xưa của triết lý Phật giáo.

Thiền

Hãy tưởng tượng một bông hồng tươi mát đang hé nở và chúng ta ngắm nhìn nó. Bông hoa mới đẹp làm sao! Bây giờ hãy tưởng tượng rằng chúng ta là con sâu đang gặm nhấm một mẩu cánh hoa. Sao mà ngon thế! Hãy xem mình là con hổ đứng trước bông hoa: đối với nó bông hoa hay bó rạ cũng chẳng có gì khác nhau. Bây giờ hãy đưa mình vào tâm điểm của bông hồng kia và hình dung mình dưới dạng một nguyên tử. Chúng ta chỉ còn tồn tại dưới dạng phóng năng lượng trong một thế giới kính vạn hoa, bị cuốn vào cơn lốc của những hạt đi qua một không gian hầu như trống rỗng. Bông hồng lúc này đâu rồi? Màu sắc của nó, hình dáng của nó, chất xơ của nó, hương thơm, mùi vị và vẻ đẹp của nó lúc này ở đâu? Còn về phần các hạt, nếu ta quan sát chúng kỹ hơn, có phải chúng cũng là những vật chắc thật hay không? Các nhà vật lý học bảo không hẳn là như thế. Đó là những “sự kiện” khởi lên từ chân không lượng tử, những “sóng xác suất”, và rốt cuộc là từ năng lượng. Từ năng lượng ư? Liệu đó có phải là một thực thể không? Hay đúng hơn là một tiềm năng biểu hiện vừa không phải là không tồn tại, vừa không thực sự tồn tại? Vậy còn lại gì ở bông hồng?

Sự “trống rỗng” của một vật nào đó không có nghĩa là vật đó không tồn tại, mà là bản chất thực sự của nó không có. Sự trống rỗng của chiếc cầu vồng không phải là không có cầu vồng mà là cầu vồng hoàn toàn không có tự tính, không độc lập và không tồn tại mãi mãi, mặc dù nó đang tỏa sáng những màu sắc rực rỡ. Chỉ cần mặt trời rạng ngời ở đằng sau ta bị che khuất một lúc, hoặc màn mưa bỗng ngừng rơi là cầu vồng lặn mất, không để lại dấu vết nhỏ nào.

Như vậy, chúng ta hãy xem xét bản chất của vạn vật xung quanh mình. Hãy nhận ra rằng dù chúng hiện diện thật đấy, nhưng chúng không có sự tồn tại tối hậu. Hãy để tâm trí ta nghỉ ngơi một lát trong sự kết hợp không thể tách rời giữa những hiện tượng bề ngoài và bản chất trống rỗng bên trong, giữa hình tướng và trạng thái trống không.

Matthieu Ricard

Trích: Thực hành thiền định; Matthieu Ricard

Lê Việt Liên dịch; NXB.Hà Nội – 2020