CHIA SẺ

Sakyamuni2-640x400

Quán tưởng

Một trong những công cụ tốt nhất của chữa lành là quán tưởng, nó có thể chuyển hóa những khuôn khổ tâm thức của chúng ta từ tiêu cực thành tích cực. Một số người mới bắt đầu thiền định cho rằng việc quán tưởng là khó khăn hay nó là những hoạt động tinh thần không thông dụng. Thật ra, điều này hoàn toàn tự nhiên vì chúng ta suy nghĩ qua hình ảnh mọi lúc. Khi nghĩ về bạn bè hay gia đình hoặc hình dung mình đang ở trên một bãi biển đẹp, một cái hồ trên núi, chúng ta thấy những hình ảnh này trong tâm thức hoàn toàn sống động. Trong thiền định, chúng ta quán tưởng vì một mục tiêu đặc biệt, nhưng quá trình tâm thức bình thường cũng giống như vậy. Với thực hành chúng ta sẽ đạt được tốt đẹp hơn.

Mặc dù, sự quán tưởng có một thừa kế lâu dài trong thực hành của đạo Phật Tây Tạng, người không biết hay không quan tâm đến Phật giáo cũng tìm ra kỹ thuật cực kỳ ích lợi. Chẳng hạn, một số vận động viên chuyên nghiệp quán tưởng việc cải thiện thành tích của họ, đã nhận ra tiềm năng đầy đủ của họ.

Những hình ảnh tích cực gây cảm hứng cho mọi người trong tất cả các loại hoạt động. Tôi biết một cô giáo dạy nhạc ở Boston đã vượt qua giai đoạn sợ hãi bằng việc dùng ứng biến của mình. Dù đã được đào tạo và có một giọng ca phong phú, cô vẫn sợ vì mình là người hát chính hàng tuần trong ca đoàn ở nhà thờ địa phương. Trước lễ Sabbath cô đã khóc dữ dội, đến nỗi đột nhiên cô nhận ra sự sợ hãi đã phá hoại cô như thế nào. Vì vậy, thay vì sợ cô chuẩn bị cho tâm vui thích với chính cô. Để tự giúp mình làm điều đó, cô ngồi yên lặng và tưởng tượng mình đang hướng dẫn buổi cầu nguyện được thành công, hát thật tốt, không lo nghĩ quá đáng vào giai điệu vốn rất khó trong biểu diễn. Cô tưởng tượng mình rất tự tin vào khả năng hát. Trong tâm thức cô nghe âm thanh tuyệt vời của giọng hát mình, tạo nên sự thích thú cho chúng hội. Cô hình dung toàn cảnh công việc, cầu nguyện và cảm thấy một cảm thức thương yêu, lan tỏa của niềm vui cảm hứng có thể chia sẻ âm nhạc với mọi người.

Bây giờ cô hạnh phúc trong việc ca hát của mình và không còn phiền toái nếu còn thấy một ít khích động trước lúc biểu diễn. Trong lớp học, cô đề nghị học trò có thể dùng trí tưởng tượng của mình để biết cách làm thế nào được thoải mái và đem niềm vui vào trong việc ca hát của họ.

Trong thiền định, tốt nhất nên mở mắt hay mở một phần, để có thể tỉnh thức trong thế gian này. Tuy vậy, với người mới bắt đầu, thoạt tiên có thể nhắm mắt lại. Điểm quan trọng nhất trong quán tưởng là gợi lên hình ảnh tích cực với sự toàn tâm nhiệt tình. Hãy chú tâm trọn vẹn vào đối tượng của tâm thức, trở nên hoàn toàn thể nhập vào nó. Hãy để tâm và đối tượng hòa nhập làm một. Nếu chúng ta thấy hình ảnh trong tâm lợi lạc hoặc bị xao lãng, đó là sự tập trung của chúng ta bị hạn chế. Thế là chúng ta chỉ nhìn đối tượng bằng mắt một cách trống không, thay vì bằng toàn thể con người. Tsong Khapa, người sáng lập phái Gelug của đạo Phật Tây Tạng đã viết: “Đạo sư Yeshe De đã đúng khi phủ nhận cách thiền định của một số người bằng cách nhìn bằng mắt hình ảnh trước mặt họ mà với sự trống trơn. ‘An trú trong thiền’ phải phát triển trong tâm, không phải ở nơi những giác quan như con mắt.”

Đặc biệt với người mới bắt đầu, điều then chốt là cảm thấy sự hiện diện của cái mình đang hình dung. Sự quán tưởng của bạn không cần phải mô tả tỉ mỉ từng chi tiết, mà vấn đề là sự trong sáng và ổn định của hình ảnh quán tưởng trong tâm.

Sự tập trung

Với bất cứ sự tu tập tâm linh hay hoạt động tinh thần nào, chúng ta cần phải tập trung. Biết cách tập trung làm tâm thức chúng ta mạnh mẽ, trong sáng và tĩnh lặng. Sự tập trung bảo vệ trí huệ bên trong của chúng ta, giống như ngọn lửa nến được chắn gió.

Với đạo Phật, việc tập trung trên một đối tượng với ý nghĩa tâm linh sẽ phát sinh năng lực tích cực, những ban phước và nghiệp thiện. Tuy nhiên chúng ta có thể tu tập tâm trí để tập trung bằng việc thực hành một cách đức hạnh trên bất cứ việc gì, hoặc là đối tượng thuộc vật chất hay hình ảnh tâm thức mà không kể nó có ý nghĩa tâm linh hay không.

Tu tập Phật giáo để làm mạnh sự tập trung gồm hai phương pháp : bên trong và bên ngoài. Phương pháp bên trong là tập trung trên thân thể mình, chẳng hạn nhìn thân mình dưới dạng bổn tôn hay một thân bằng xương thịt. Chúng ta cũng có thể chú tâm trên những yếu tố của thân như hơi thở, hay với một thân dưới dạng thanh tịnh như ánh sáng hay hỷ lạc. Phương pháp bên ngoài là tập trung trên những hình tượng, cõi “tịnh độ” của Phật, hay những quán tưởng khác.

Nếu chúng ta không tập trung tâm trí, cho dù thực hành nhiều năm cũng chỉ mang lại một ít nội quán, dù cho có những phước đức của tinh tấn. Ngài Shantideva nhắc chúng ta :

Đức Phật, Người đã thấu rõ chân lý đã nói :
“Mọi tụng niệm và tu hành khổ hạnh
Dù con thực hành trong một thời gian dài,
Nếu con làm chúng với một tâm lang thang,
Sẽ mang lại ít kết quả.”

Bước đầu trong việc phát triển sự tập trung là đem tâm lộn xộn không ngưng nghỉ trở lại thực tế. Trong những bài tập chữa lành được giới thiệu sau này, chúng ta sẽ thấy một số kỹ thuật để tập trung tâm thức phân tán hầu có thể cải thiện khả năng thiền định cũng như quan điểm cảm tính của mình.

Một khi chúng ta cảm thấy được đặt nền về mặt tâm thức chúng ta có thể tập trung sâu hơn. Đôi khi những thiền giả có kinh nghiệm thực hành mài dũa sự tập trung của họ bằng cách quán tưởng một ống dài và hẹp rồi dùng trí tưởng tượng nhìn xuyên qua nó. Có những bài tập tâm thức khác liên quan đến việc tập trung vào một điểm nhỏ thay vì một hình ảnh lớn.

Nếu chúng ta cần tiếp tục tập trung, đánh thức tâm hay làm cho sắc bén các giác quan, chúng ta phải chú tâm vào việc phát triển kỷ luật tâm thức. Tuy nhiên, tâm ta thường quá phân biệt và nhạy cảm. Nếu cảm thấy tâm trí bị đè nén hay mắc kẹt, tốt nhất không nên tự ép mình phải tập trung. Những người cảm thấy bị đè nặng bởi căng thẳng và lo nghĩ có thể thấy sự rất dễ chịu bằng việc mở rộng tỉnh giác của họ thay vì chú tâm theo một kiểu tập trung.

Sự rộng mở

Một cách phá tan cảm giác dầy đặc của cảm xúc là đến một vùng cao để có thể nhìn xa như trên đỉnh núi hay nóc nhà cao. Nếu bầu trời trong sáng, bạn ngồi quay lưng về phía mặt trời, tập trung vào chiều sâu của bầu trời rộng mở mà không di động mắt. Thở ra thật chậm và thể nghiệm sự rộng mở, bao la và cái trống không.

Cảm nhận toàn thể vũ trụ trở thành một trong sự rỗng rang bao la. Hãy nghĩ rằng mọi hiện tượng – cây cối, đồi núi, sông ngòi – hòa tan tự nhiên vào bầu trời rộng mở. Thân và tâm ta cũng hòa tan vào đó. Tất cả đều tan biến giống như mây tan trong bầu trời. Thư giãn trong cảm giác rộng mở, thoát khỏi những ranh giới và hạn chế. Bài tập này không những hiệu quả cho tâm được tĩnh lặng mà còn có thể phát sinh sự chứng ngộ cao hơn.

Nếu bạn không thể đến một nơi như thế, hãy chọn bất kỳ nơi nào có thể nhìn lên bầu trời được tốt hoặc tối thiểu có thể quán tưởng được bầu trời mở rộng.

Hòa nhập vào nhất thể

Hòa nhập với nhất thể nghĩa là trở thành một với bất cứ những gì ta đang kinh nghiệm. Đôi lúc nó giúp ích trong lúc bắt đầu bằng cách mô tả bằng lời : chẳng hạn, giống như một người bơi lội hòa nhập làm một với đại dương mênh mông. Nhưng thật ra, từ ngữ không cần thiết cho kinh nghiệm về nhất thể và rỗng rang. Chúng ta chỉ đơn giản buông bỏ những cuộc chiến đấu của chúng ta và buông bỏ nhu cầu đặt tên như “xấu” hay “tốt” trên kinh nghiệm, và thay vào đó hãy để chúng ta hiện diện với cảm giác hay đi vào trong nó. Bằng cách hòa nhập với những kinh nghiệm hay cảm giác, tính chất của kinh nghiệm có thể thay đổi. Bằng cách để cho chúng ta hiện hữu như chúng ta thực là trong khoảnh khắc hiện tại, những bức tường phân biệt và cảm giác của chúng ta sẽ mềm đi hay cùng nhau tan biến. Tâm thức và trái tim ta rộng mở, và năng lực của chúng ta tuôn chảy. Đó là một sự chữa lành đầy năng lực.

Tỉnh thức

Học cách sống trong khoảnh khắc hiện tại là một thiện xảo vĩ đại và mạnh mẽ giúp chúng ta trong mọi việc chúng ta làm. “Hiện hữu ở đây và bây giờ”, buông xả trong bất cứ việc gì ta làm chính là sống và khỏe mạnh. Trong đạo Phật, tỉnh giác nhận biết cái đang xảy ra ngay lúc này, gọi là chánh niệm tỉnh thức.

Trong đời sống hàng ngày, tỉnh thức là một tâm cảnh giác nhận biết mọi khía cạnh đang diễn tiến, cái gì cần làm mà không bị phân tán. Trong thiền định, tâm tỉnh thức là trao trọn vẹn chính chúng ta cho hơi thở của mình, hay cho bất cứ bài tập nào.

Tỉnh thức là chú tâm trọn vẹn vào hiện tại, không lo nghĩ về quá khứ hay tương lai. Thường thì, chúng ta mượn phiền não từ tương lai bằng cách suy nghĩ liên tục về những gì ngày mai sẽ xảy đến với chúng ta, thay vì ứng xử với một ngày trọn vẹn.

Trong đạo Phật sự nhấn mạnh là ở vào khoảnh khắc hiện tiền này. Chúng ta có thể hướng dẫn tâm thức chúng ta sống trong hiện tại. Để làm điều này, chúng ta cần xây dựng vững chắc một thói quen chú tâm hoàn toàn vào những gì ta đang làm bây giờ. Với mỗi công việc, chúng ta phải quyết định một cách có ý thức không để cho những ý tưởng, cảm nghĩ, và hoạt động khác xen vào, và đặt chúng ta vào cái mà ta đang làm.

Trở nên tỉnh thức không có nghĩa là trở nên căng thẳng xúc động hay khuấy động vô số ý niệm để nhìn ngắm cái chúng ta nghĩ hoặc làm. Trái lại, tâm được buông xả và bình lặng, và do đó tâm thức nhận biết sắc bén mỗi một sự kiện như nó là, không có sự vật lộn của xúc cảm và ý niệm. Tuy nhiên, khi chúng ta thấy tâm trí mình đi rông, phải nhẹ nhàng và vững chắc đem tâm về hiện tại, về cái chúng ta đang làm. Phần lớn chúng ta, nhất là trong lúc bắt đầu, cần lập đi lập lại điều này. Như Ngài Shantideva đã nói :

Khảo sát trở đi trở lại
Mỗi khía cạnh những hoạt động thân và tâm,
Tóm lại, đó thực sự là cách tỉnh thức quan sát.

Dù chúng ta đã được dạy về thiền định hay tu tâm, chúng ta cũng cần chánh niệm và tỉnh giác, nếu không tâm chạy rông như thú hoang, không thể giữ sự chú tâm hay an nghỉ thậm chí trong vài phút. Lúc ấy chúng ta sẽ được gì từ việc chỉ có thể xác tham gia thiền định ? Sự tỉnh giác là sự sống nên Ngài Shantideva yêu cầu :

Tôi chắp tay cầu xin
Những ai muốn bảo hộ tâm mình
Hãy giữ gìn chánh niệm và tỉnh giác
Thậm chí bằng cả cái giá của cuộc sống mình.

Quả của sự tỉnh thức là sự bảo vệ, nó giúp đỡ ta trong mọi rối loạn và khó khăn. Theo Ngài Shantideva :

Như vậy, tôi phải nắm giữ và bảo vệ
Tâm tôi một cách thích hợp
Không có kỷ luật bảo vệ tâm tôi
Vậy còn ích gì các giới luật khác ?
Nếu tôi ở giữa một đám đông rối loạn không kiểm soát
Tôi phải cảnh giác và cẩn thận để khỏi bị đụng vào những vết thương của tôi.
Tương tự, trong lúc tôi sống giữa những người không giới luật
Tôi phải bảo vệ tâm mình khỏi bị đụng vào những vết thương của nó.

Với sự chánh niệm và tỉnh giác, chúng ta học nhẫn nhục hay hành động khi hoàn cảnh đòi hỏi. Nhẫn nhục trở thành năng lượng chuyển hóa. Ngài Shantideva nói :

Khi bạn muốn cử động hay nói
Trước tiên khảo sát tâm mình
Sau đó, với sự an vững, hãy hành động theo cách thích đáng.
Khi cảm thấy tham dục, sân hận trong tâm
Không nên nói hay làm, mà hãy ở yên như một khúc củi.

Sự thực hành tỉnh giác không nên thành ra căng thẳng. Nếu có, chỉ là dấu hiệu ta quá cố gắng, rằng chúng ta đang bám chấp vào chính sự tỉnh thức, ta cần buông xả một ít và ít tự ý thức lại. Thượng Tọa Rahula viết :

Chánh niệm hay tỉnh giác không có nghĩa rằng bạn cần nghĩ hay ý thức “Tôi đang làm cái này” hay “Tôi đang làm cái kia.” Không. Chính là ngược lại. Phút giây bạn nghĩ “Tôi đang làm cái này”, bạn trở thành ý thức của tự ngã, và rồi bạn không sống trong hành động mà bạn sống trong ý niệm “Tôi là” và kết quả là công việc của bạn bị ung thối. Bạn phải hoàn toàn quên chính bạn và mất chính bạn trong cái bạn làm.

Bằng cách ở trong một cách thế buông lỏng và trống không, chúng ta sống trong dòng tự nhiên của chánh niệm và tỉnh giác. Tâm ta trở thành vững vàng hơn, thay vì bị đứt đoạn liên tục thành những tư tưởng phân tán và đuổi bắt điên cuồng quá khứ hay tương lai. Sau một lúc, sự tập trung sẽ được cải thiện và chúng ta thấy dễ thiền định hơn. Học cách làm thế nào để hưởng thụ và hiện hữu trong khoảnh khắc hiện tiền sẽ dẫn đến sự rỗng rang và thời gian phi thời gian. Bằng sự tỉnh thức, chúng ta tìm thấy an vui trong chính mình.

Thái độ giác ngộ (Bồ Đề Tâm)

Trong Phật giáo Đại thừa, thực hành tâm linh được hoàn thiện qua tâm bi. Chúng ta phải phát triển thái độ “Tôi làm việc tu tập tâm linh này cho sự phục vụ, hạnh phúc, lợi lạc và giác ngộ của tất cả chúng sanh” hoặc “Tôi tu hành để tạo mình thành công cụ phục vụ cho lợi ích, nhu cầu của tất cả chúng sanh.” Trong kinh điển, điều này gọi là thái độ giác ngộ hay Bồ đề tâm.

Ý định hiến dâng sự tu tập của chúng ta cho những người khác là một việc đầy năng lực để mở rộng tâm hạn hẹp, đóng kín của ta. Nó tạo ra một năng lực tâm linh mạnh mẽ – một sự ban phước – và gieo hạt giống giác ngộ trong chúng ta. Nếu chúng ta phát triển và duy trì “tâm giác ngộ” này, bất cứ chúng ta làm gì tự nhiên sẽ trở thành sự tu tập tâm linh, thành phương tiện tạo lợi ích cho tất cả. Ngay cả những ai không tôn giáo, sẽ rất ích lợi để suy nghĩ về liên hệ với gia đình, bạn bè, cộng đồng của họ và tất cả mọi người ở mọi nơi, thay vì chỉ theo đuổi việc tu tập chỉ vì mục tiêu ích kỷ cá nhân mình.

Trải rộng tâm bi có thể khó khăn, và chúng ta có thể bị lệ thuộc vào những thái độ và cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, quyết tâm tự nó là điều quan trọng. Bằng sự phát triển tâm bi, dòng công đức sẽ trôi chảy cả ngày lẫn đêm, dẫn dắt chúng ta đến chỗ hoàn toàn chứng ngộ thật tánh của mình. Ngài Shantideva nói :

Ngay từ lúc
Phát triển trọn vẹn một thái độ như vậy,
Cho dù bạn ngủ hay không chú tâm
Sức mạnh của công đức sẽ gia tăng không ngừng.

Khi một tâm như thế đã phát triển trong chúng ta, ta phải nhận ra và xiển dương để làm gia tăng sức mạnh và năng lực của nó lên cực đại. Ngài Shantideva công bố :

Hôm nay, cuộc sống tôi kết trái,
Và đã hoàn thành tốt cái của đời người.
Hôm nay, tôi được sinh trong gia đình chư Phật,
Và giờ đây, tôi là một trong những cháu con của Chư Phật.

Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche

Nguyên tác: Năng lực chữa lành của Tâm

Việt dịch: Tuệ Pháp 

Nhà xuất bản: Thiện Tri Thức