CHIA SẺ

Dzongsar Khyentse Rinpoche teaching on CHogyam Trungpas Book "Transcending Madness"at the McInnes Room Dalhousie University November 2008, also interview with Barry Boyce for let loose on the Chronicles web site/ And a Shambhala Sun Salon at Fred/Whet.

Khi chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm thứ 10 và mong đợi các cách thức mà trong đó chúng tôi có thể đem những lời dạy của Đức Phật đến với lượng người đọc rộng nhất có thể bằng các ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được, Chủ tịch Sáng lập của chúng tôi, Dzongsar Khyentse Rinpoche đã chia sẻ tiềm năng lợi lạc của công nghệ đang liên tục phát triển hiện nay và cách mà nó có thể – và cần – được sử dụng tốt.

Chính Đức Phật đã dạy rằng các bản văn, những đại diện và các giáo lý về đại bi (mahākaruṇā), duyên khởi (pratītyasamutpāda) và tính Không (śūnyatā) cực kỳ quý báu trong bất kỳ hình thức nào mà chúng có thể hiển bày.

Chỉ liên hệ hay liên đới với những bản văn và giáo lý như vậy mà thậm chí chẳng đọc hay quán chiếu về ý nghĩa sâu xa của chúng, chỉ đơn giản giữ chúng trong một ngôi chùa hay trong phòng, đeo chúng hoặc đơn giản kính trọng chúng bằng cách đặt lên đầu hay đi nhiễu quanh – tất cả được cho là tạo ra công đức lớn hơn rất nhiều so với việc kính lễ hàng nghìn vị Phật của nhiều kiếp.

Thế nhưng, trong thời kỳ cổ xưa, những bản văn như vậy cực kỳ khó tiếp cận. Chúng ta chỉ cần nhớ về hành trình đến Ấn Độ đầy gian khổ của Tổ Vairotsana[1] và Ngài Huyền Trang để nhận ra rằng việc tìm kiếm Giáo Pháp chân chính thậm chí có thể đe dọa đến mạng sống. Và ở mức độ thực tiễn nhất, cần cù viết lại những bản văn bằng tay trên lá cọ mong manh thì tốn biết bao nhiêu thời gian, chứ đừng nói đến việc phân phát chúng theo những cách chắc chắn hạn chế sự sử dụng cho rất ít những kẻ may mắn.

Với mỗi sự tiến bộ của công nghệ, chẳng cần phải nói, các đệ tử của Đức Phật đã tận dụng tối đa việc khắc đá, in mộc bản, thư pháp và in giấy để giữ gìn và chia sẻ những giáo lý của Đức Phật rộng rãi và hiệu quả hơn. Thực sự, các Phật tử là những người tiên phong trong việc sử dụng công nghệ này: bản dịch tiếng Trung của Kinh Kim Cương thế kỷ 9 được tìm thấy ở Đôn Hoàng vẫn là ví dụ sớm nhất được biết đến về sự in tay bằng khuôn.

Con người hiện đại chúng ta thật vô cùng may mắn khi mà trong thời đại hiện nay, chúng ta được tiếp cận tức thì với một tuyển tập bao la về trí tuệ của Đức Phật và có thể chia sẻ kho tàng đó theo cách thức chưa từng khả thi trước kia. Thật kinh ngạc khi toàn bộ thế giới, từ những nơi xa xôi hẻo lánh nhất, giờ đây cũng có thể tiếp cận những lời dạy của Đức Phật chỉ bằng việc bấm ngón tay!

Đúng, chúng ta có lý khi than khóc về việc lạm dụng truyền thông xã hội và sự lan tỏa nhanh chóng của những tin tức sai, thông tin sai, bạo lực và chuyện tầm phào ác độc. Nhưng liệu chúng ta có thể thông minh một chút bằng cách hoan nghênh những cách thức này để chống lại các xu hướng tiêu cực này, để nói về tính chân thật của Giáo Pháp và để tạo ra vô số lợi lạc?

Liệu chúng ta có thể tưởng tượng một thiếu niên trên đường ngầm, muốn thật ngầu và có lẽ quá rụt rè để lấy ra cuốn Kinh to đùng so với chiếc ba lô trên vai, thay vào đó, đọc về tính Không và lòng bi trên chiếc điện thoại thông minh? Hãy thử tưởng tượng [bạn] quá chán việc tán chuyện vô nghĩa trong bữa tiệc, trốn vào buồng tắm vài phút và đọc một đoạn từ một Kinh điển trong chiếc điện thoại của mình. Hoặc lướt mạng để mua sắm trên máy tính và bỗng nhiên lướt đến một Kinh điển …

Nếu Đức Phật đúng đắn trong việc tuyên bố giá trị và sức mạnh của những giáo lý này dưới bất kỳ hình thức nào mà chúng xuất hiện thì không ai có thể phủ nhận công đức và trí tuệ lớn lao từ những sự chạm trán hiện đại, rời rạc với chân lý đích thực như vậy!

Dĩ nhiên, với những lý do cá nhân, thẩm mỹ và sùng mộ, chúng ta vẫn có thể sao chép một Kinh điển dưới dạng chữ viết tay đẹp đẽ và trân trọng một bản in trên bàn thờ và kệ sách. Nhưng vẫn có đủ lý do để dũng cảm và hiểu biết trong việc tận dụng tối đa những cơ hội to lớn mà công nghệ hiện đại cung cấp.

Thực sự, chúng ta đều nắm bắt những khả năng mới này với niềm hoan hỷ và hăng hái lớn nhất, biết rằng giờ đây chúng ta có thể giữ gìn và truyền bá Giáo Pháp thật rộng khắp và hiệu quả và rằng chúng ta có thể khiến những lời dạy của Đức Phật trở nên sẵn có nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn và thuận tiện hơn với nhiều chúng sinh hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người.

 Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche

Nguồn Anh ngữ: https://84000.co/on-being-brave-dzongsar-khyentse-rinpoche-on-technology-and-the-dissemination-of-dharma/.

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

[1] Theo Rigpawiki, Vairotsana (hay Berotsana, Vairochana) (thế kỷ tám-chín) – vĩ đại nhất trong tất cả những dịch giả (Lotsawa) Tây Tạng. Cùng với Đức Liên Hoa Sinh và Vô Cấu Hữu (Vimalamitra), Ngài là một trong ba đạo sư chính đưa giáo lý Đại Viên Mãn (Dzogchen) đến Tây Tạng.