CHIA SẺ

bo thi“Nếu có một địa ngục trên trần gian thì người ta sẽ tìm ra nó trong trái tim của một người ưu phiền đau khổ”.

Loài người đang sống giữa những cơn co thắt và chịu sự bóp nghẹt từng ngày của cuộc sống hiện đại, dìm họ vào vòng xoáy tiền tài, danh vọng, khiến họ đánh mất hạnh phúc, sự thảnh thơi và tình yêu thương nhân loại… Quả thực, sự tiến bộ về vật chất, tốc độ gia tăng lợi nhuận, ứng dụng tiến bộ mới của khoa học… và nhất là khát vọng hưởng thụ cao của từng con người đã là nguyên nhân khiến cho xã hội loài người đi vào bế tắc, cụt lối tư tưởng, tạo ra những tranh chấp nhỏ nhen vị kỷ, dẫn đến suy đồi đạo đức, khiến cho bạo động sẵn sàng bùng nổ. Từng ngày, từng giờ, biết bao hoạt động chiến tranh đẫm máu diễn ra trên thế giới; biết bao ý định tàn hại nhau vẫn bùng lên trong mọi ngóc ngách tâm hồn.

Ngày nay, tuy cuộc sống hiện đại có tiện nghi hơn nhưng đạo đức lại đi xuống. Nguyên nhân vẫn là lòng tham ái, sự sân hận, tình trạng vô minh đã khiến cho giữa con người với con người có mâu thuẫn dẫn đến những hành động vô nhân đạo trên các mặt tương sinh. Trong khi đó, máu thịt của cuộc sống chính là tình thương, mà đạo đức lại là xương sống của nó. Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật đã dạy:

Ai tu tập từ tâm
Vô lượng thường ức niệm
Các kiết sử yếu dần
Thấy được y sanh diệt.

Nghĩa là con người phải phát triển tình thương và đạo đức để giải quyết tình trạng bế tắc nói trên. Giáo lý của đạo Phật có nói đến Tứ vô lượng tâm, bao gồm việc thực hành Từ tâm, Bi tâm, Hỷ tâm và Xả tâm là những biện pháp hữu hiệu giúp xóa bớt lòng vị kỷ, đối xử với nhau bằng tình yêu thương.

– Từ tâm là tâm thương yêu, là vui khi chúng sanh được vui và nỗ lực tạo niềm vui cho chúng sanh.

– Bi cũng là tâm thương yêu, với ý nghĩa đau buồn khi thấy chúng sanh đau buồn và nỗ lực làm giảm nỗi đau buồn của chúng sanh.

– Hỷ là tâm thương yêu thể hiện ở việc vui vẻ với mình và với người.

– Xả là tâm bình đẳng, tạo sự bình đẳng giữa mọi người, là bỏ qua mọi sự gây phiền não. Ở đây, chúng ta nhấn mạnh đến Hỷ tâm, hay tâm hoan hỷ.

Tâm hỷ (mudita) trong Tứ vô lượng tâm là niềm vui thanh cao do từ, bi và xả mang lại. Trong Đại kinh Giáo giới La-hầu-la (Trung bộ, số 62), Đức Phật dạy, “Này, La-hầu-la, hãy tu tập sự tu tập về hỷ. Này La-hầu-la, do dự tu tập về hỷ, cái gì bất lạc sẽ được trừ diệt”.

Niềm vui trong cuộc sống thì có nhiều nhưng không phải niềm vui nào cũng gọi là hỷ vô lượng. Những sự vui thích do thu về nguồn vật chất hay sự hả hê của men say chiến thắng, hài lòng khi thấy đối phương thất bại… chỉ là niềm vui phù du, phụ thuộc vào những yếu tố đến từ bên ngoài. Một niềm vui an tịnh, nhẹ nhàng sâu lắng khi buông xả hết vướng mắc, chấp thủ mới là Hỷ đích thực.

Tâm hoan hỷ này có mặt khi nội tâm của một người biết tu tập đã có khả năng làm lắng dịu những tham dục, sân hận, bất bình, oán ghét, ganh tỵ… Phải chăng “Tâm hoan hỷ” là một trong những liều thuốc tốt góp phần đối trị hoàn cảnh bế tắc của loài người hiện nay?

Những nỗi ưu phiền của chúng ta

Có lẽ căn bệnh tồi tệ nhất của loài người là sự đau khổ do ghen tỵ, sự tích tụ trong tâm những mong ước được vượt trội người khác về mọi mặt, đến nỗi thấy người khác thành công hay hạnh phúc là không hài lòng. Được nuôi dưỡng bằng nhiều phương tiện truyền thông thể hiện dưới những hình thức kích thích các ham muốn cả về vật chất, danh vọng, quyền thế, tình dục… con người có khuynh hướng đi lệch khỏi con đường chính trực, hiểu biết. Khuynh hướng ấy dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, nhưng hơn hết đó là vấn đề sức khỏe tâm thần khiến con số những kẻ bất hạnh đi vào con đường tội lỗi ngày càng nhiều.

Rõ ràng, bạo động ngày càng gia tăng bởi lòng tham và sự ích kỷ con người. Có thể thấy mọi quan hệ trong xã hội đều căng thẳng; người với người hình như lúc nào cũng phòng thủ lẫn nhau; không hề nhận ra rằng “Khi bạn cư xử tốt với người khác là bạn đang cư xử tốt đẹp nhất với bản thân mình” như Benjamin Franklin từng nói.

Giải pháp giảm bớt ưu phiền

Với sự quán sát đúng pháp, con người có thể thấy được bản chất của mọi sự là vô thường. Thực vậy, bất cứ điều phiền muộn nào, dù nặng nề đến đâu, rồi cũng sẽ phôi pha theo thời gian; cho nên, quan trọng là đừng để những nỗi ưu phiền làm hao tổn sức lực khiến chúng ta ngày càng đau khổ.

Đau khổ có mặt bất cứ chỗ nào khi chúng ta làm lớn chuyện không buông bỏ chúng. Nhưng các hành giả Phật giáo đã nhìn rõ nguyên nhân của những xung đột đang có mặt trong cuộc đời này: “Trên thực tế, các vụ bạo động vũ lực giữa các phe phái đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới phần nhiều xuất phát từ tâm tham sân si, cố chấp, Phật giáo gọi là kiến thủ, vì họ không thấm nhuần từ bi hỷ xả dẫn đến hành động tàn phá”.

Dựa trên phân tích về các tâm từ bi hỷ xả nêu trên, ta tin rằng tâm hoan hỷ có thể là biện pháp tích cực làm giảm ưu phiền.

Sức mạnh của tâm hoan hỷ

Nếu ghen ghét ganh tỵ là tâm bệnh của loài người xưa nay thì chính tâm hoan hỷ có đủ sức mạnh để tẩy sạch những cấu uế ấy. Kinh Phật thuyết pháp Thừa nghĩa Quyết định thuộc Đại tập của Hán tạng chép, khi các Tỳ-kheo cầu xin Đức Phật giải thích về ý nghĩa của Hỷ vô lượng, Phật dạy, “Là đối với mọi lúc mọi nơi, tâm Hỷ luôn tùy thuận lợi ích chúng sanh, không tổn hại người khác; xa lìa các oán kết, đem tâm rộng lớn chỉ bày cho chúng sanh, thương nhớ cứu hộ như con đỏ của chính mình; đối với kẻ oán người thân bình đẳng không khác nhau, khiến cho họ dứt trừ triền cái, giải thoát tất cả. Như vậy gọi là tâm Hỷ vô lượng”.

Thế nên, với tâm hoan hỷ, chúng ta sẵn sàng chia sẻ sự vui mừng của mình trước hạnh phúc hay thành công của người khác, và luôn mong họ tiếp tục hạnh phúc, thành công; sẵn sàng thể hiện thái độ hiểu biết trước những bất hạnh hay thất bại của người khác và mong rằng họ sẽ sớm vượt qua các hoàn cảnh ấy để đạt được hạnh phúc hay thành công trong tương lai.

Như vậy, với tâm hoan hỷ, mọi người sống với nhau bằng sự chân thành thương yêu lo lắng cho nhau, không vì những lợi ích thiển cận vị kỷ của mình, chắc chắn sẽ mang lại một xã hội hòa ái, không tranh chấp, xung đột.

Lợi ích của tâm hoan hỷ

Người có tâm hoan hỷ chắc chắn là người dễ dàng thân cận, có khả năng thu hút những người khác cùng làm việc tốt với mình, luôn luôn tạo được một môi trường hợp tác chân thành trong mọi hoạt động. Không những thế, tâm hoan hỷ còn mang lại những lợi ích thiết thực khác:

Có một sức khỏe tốt

Khoa học đã chứng minh rằng dù tuổi già có làm cho cơ thể của con người bị mỏi mòn theo năm tháng, nhưng sức khỏe tinh thần và đạo đức vẫn có khả năng tiếp tục phát triển. Phần lớn những người yêu đời và sống cuộc sống vui tươi trên thế giới đều là những người sống thọ và thân ít bệnh.

Nhiều chứng bệnh thuộc cơ thể như huyết áp, tắc nghẽn động mạch vành và những bệnh liên quan đến các cơ quan như gan, thận, bao tử… thường là kết quả của sự trầm uất, xuất hiện ở những người có nhiều bực tức, ganh ghét, uất ức, sân hận triền miên.

Khi có tâm hoan hỷ, trạng thái sân hận được rũ bỏ, nghĩa là những nguyên nhân gây những chứng bệnh cho cơ thể như trên cũng được giải trừ.

Đầu óc minh mẫn, trí tuệ có chiều sâu

Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và phát hiện rằng khả năng trí óc của con người chỉ mới được khai thác chừng 10%, tới 90% còn lại vẫn ở trạng thái tiềm ẩn. Người ta cũng phát hiện những người luôn vui vẻ và thanh thản với cuộc sống có thể khai thác mạnh hơn các chức năng của tế bào não thuộc về trí nhớ, phản ứng, phân tích…

Khi hướng tâm vào những ý tưởng tốt đẹp, chân chính, con người dễ dàng có được cuộc sống vui tươi; trí tuệ được thăng hoa; họ trở nên sáng suốt và tỉnh táo hơn, dám nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận sự thật dù có đau thương rồi nỗ lực chuyển hóa. Người có tâm hoan hỷ luôn tạo ra những ý tưởng mới có ích và đóng góp được nhiều kết quả suy nghĩ của mình.

Có một ứng xử tốt trong các mối quan hệ

Người có tâm hoan hỷ không bị trói buộc bởi đẳng cấp, tôn giáo, địa vị, tài sản, chủng tộc, tuổi tác, giới tính… Họ biết đối xử bình đẳng với mọi người. Họ luôn là một người trẻ tuổi giữa những người trẻ tuổi, là một người già giữa những người già, là trẻ thơ giữa những trẻ thơ, luôn đồng cảm với những người đau khổ. Họ biết yêu thương tha thứ một cách trọn vẹn đầy tế nhị. Như vậy, trong mọi mối quan hệ, họ luôn có những ứng xử đúng mực.

Trong lúc xã hội loài người vẫn đầy nỗi bất an, việc phát triển tâm hoan hỷ có thể được coi là một trong những giải pháp tu tập nội tâm góp phần tích cực vào việc mang lại một đời sống hòa hợp hơn giữa người và người, và nếu tâm hoan hỷ được phát triển rộng rãi, chúng ta tin rằng cuộc sống của con người sẽ trở nên đáng sống hơn khi con người có thể hợp tác chân thành với nhau, khi tất cả mọi người đều mong muốn cho mọi người cùng tiến bộ, phát triển, thành công và hạnh phúc.

Thích Nữ Thuần Tạng
Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 339, xuất bản ngày 15 tháng 2 năm 2020