CHIA SẺ
Set of cartoon hand drawn objects on mindful eating rules theme
Set of cartoon hand drawn objects on mindful eating rules theme

Vọng tưởng chấp trước là rác bẩn

“Vui vẻ không buồn lo, gọi là Phật”. Trước đây khi còn ở Học viện Y học, chúng tôi đã từng thảo luận qua câu này. Có một vị đồng học bảo: “Điều này không có gì kỳ diệu đặc biệt! Tôi cũng làm được. Tôi bây giờ vui vẻ không lo buồn, vậy hiện tại tức là Phật rồi!”. Mọi người nghe xong đều phì cười! Có một sinh viên lớp trên liền trả lời: “Ngày mai giáo sư cho anh rớt, lại bị bạn gái bỏ rơi, thử xem anh còn vui vẻ không lo buồn được nữa không! Hay đến chừng đó mặt mày anh ủ dột, oán trời trách người!”. Mọi người ai nấy đều cười! Anh bạn học đó cũng cười bảo: “Quả đúng như vậy! Cái Phật này của tôi rất ngắn ngủi! Một ông Phật bong bóng nước, không biết sẽ vỡ lúc nào!”. Thực ra, Phật vốn nói với chúng ta: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể giác ngộ và vui vẻ không lo buồn. Nhưng trong tâm chúng ta đầy dẫy những vọng tưởng chấp trước. Vì vậy, mỗi ngày mình đều bị phiền não, chướng ngại và những tư tưởng lăng xăng dẫn dắt, khiến chúng ta không thể sống vui vẻ, an lạc. Do đó, sức mạnh và tiềm năng Phật tính cũng không sao phát huy ra được. Thực ra, chúng ta ai cũng có thể quyết định: Buông bỏ những vọng tưởng chấp trước như đổ bỏ rác bẩn, để tận hưởng bản tánh thanh tịnh tự tại. Đây là điều mà không ai có thể ngăn chúng ta. Nhưng lạ lùng thay chúng ta cứ thích “chiếm hữu”. Chính là sự chiếm hữu đau khổ. Chúng ta ôm chặt lấy đau khổ, cam chịu với nó mà không sao thoát ra được.

Mất đi phân dơ, được nhẹ nhàng

Một hôm, tôi nói với một người bạn: “Chị nghĩ xem, đi vệ sinh là được hay mất?” Cô ấy nghe xong cười lớn bảo: “Tôi đã sống và đi vệ sinh bốn mươi năm, thế mà vẫn chưa nghĩ đến vấn đề này”. Rồi cô ấy suy nghĩ một chút, lại bảo: “À, có lẽ là được, mà cũng có nghĩa là mất”. Tôi liền hỏi: “Chị được cái gì và mất cái gì?”. Cô nói: “Đơn giản là mất đi phân hôi thối, và được nhẹ nhàng dễ chịu”. Tôi lại hỏi: “Phân có được kể là cái của chị hay không?”. Chị lại cười và bảo: “Vấn đề này thực tức cười. Nếu bạn bảo nó không phải là cái của mình, thì nó từng ở trong bụng, do ruột của mình gia công tạo ra. Còn như bảo nó là cái của mình, tại sao nó lại không thể ở mãi trong bụng? Lại cũng không ai muốn giữ, mà phải bỏ nó ra ngoài”. Chúng ta thử suy nghĩ phân dơ từ đâu đến? Chúng ta phải cực khổ bôn ba kiếm tiền, lại cũng cực khổ mua đồ nấu ăn. Ăn xong cũng phải cực khổ tiêu hóa ra “kết quả” như vậy. Nhưng chúng ta không thể giữ lấy nó, phải bỏ ra mới được. Nếu không bài tiết ra ngoài mà giữ lại trong bụng sẽ rất nặng nề, khó chịu, vừa đau lại vừa khổ! Phải giải quyết xong thì mới dễ chịu!

Tu hành như bài tiết phân dơ, buông bỏ phiền não, được thư thái

Trong quá trình tu học Phật Pháp, tôi chỉ được kể là có chút duyên với Phật mà thôi, không có tu hành bao nhiêu. Nhưng một chút kinh nghiệm này, khiến tôi cảm thấy tu hành như bài tiết phân dơ, xả bỏ những rác bẩn phiền não làm chướng ngại trong tâm, để được nhẹ nhàng, thư thái. Nếu chúng ta biết tiết kiệm sức lực và tinh thần tiêu tốn trong những vọng tưởng lăng xăng, thì thể lực của mình sẽ khá hơn rất nhiều. Còn như phân dơ trong bụng nếu không bài tiết ra ngoài, thì dùng bất cứ thuốc nào cũng không dễ chịu. Cũng vậy, rác bẩn phiền não làm chướng ngại trong tâm nếu không thực sự giải quyết được, thì niệm Phật sẽ không đắc lực, không được nhẹ nhàng, thư thái. Kinh Hoa Nghiêm có nói:

Tâm khéo an trú: không gì bằng,

Ý thường thanh tịnh: niềm vui lớn.

Tâm niệm và hiệu quả điều trị của việc ăn uống. Do có nhiều người hỏi đến vấn đề ăn uống, nên nơi đây bàn qua vấn đề này.

Đừng vì ăn uống mà tâm căng thẳng.

Có rất nhiều người bệnh và gia quyến đã bỏ ra phần lớn thời gian và tâm trí trong việc tìm kiếm một loại thuốc đặc trị nào đó, như thuốc bí truyền, gia truyền, hay cách ăn uống có hiệu quả trị liệu đặc biệt. Thậm chí có người chưa hiểu được nguyên lý, phương pháp mà lại tuyệt thực lâu ngày. Vì bôn ba khắp nơi, lại cố ý miễn cưỡng mong cầu nên khiến tâm lý họ trở nên căng thẳng, tự gây thêm áp lực trong tâm. Vì vậy, thân tâm của họ không sao được điều hòa, nhẹ nhàng và an ổn thực sự, càng làm trở ngại cho công năng miễn dịch chính mình.

Tâm cảnh khác nhau, mùi vị cũng khác nhau.

Chúng ta có thể nhận ra: Đồng một thức ăn, nhưng nếu ăn với những trạng thái tâm lý khác nhau, thì mùi vị cũng khác nhau, và chất dinh dưỡng hấp thu lại càng khác nhau! Chúng ta hãy tự quan sát: Cùng một đĩa thức ăn, mà khi đói và khi no chúng ta nhìn lại có cảm giác hoàn toàn khác nhau. Khi thi đậu và khi thi rớt, ăn cơm mùi vị cũng khác nhau xa. Lúc bị mắng và khi được khen, tình trạng tiêu hoá nhất định khác nhau. Đây là do vì tâm niệm sinh ra những làn sóng điện làm ảnh hưởng đến vật chất. Cho nên trạng thái tâm lý khác nhau cũng sinh ra chất men tiêu hóa cũng khác nhau. Ví dụ, khi ăn uống, đối với thức ăn mà có sự chê chán, hay tâm trạng buồn bực, lo lắng, thì nước miếng sẽ bị biến mất, giảm số lượng kháng thể và men tiêu hoá, do đó sự co bóp của dạ dày và ruột cũng không tốt. Cho nên, dù có ăn thức ăn có bổ dưỡng đến đâu cũng không hấp thu được nhiều và lợi ích bao nhiêu.

Tâm vui vẻ – hiệu quả trị liệu lớn, tâm hoan hỉ biết ơn –  dinh dưỡng cao

Như đã nói qua, tâm niệm vui vẻ sẽ sinh ra vật chất làm tăng sức miễn dịch. Thân tâm buông lỏng, thư thái thì máu huyết sẽ lưu thông, dưỡng khí được đầy đủ, nước miếng bao gồm kháng thể và men tiêu hoá mới dồi dào. Tâm an định và đủ lòng tin thì chất nội tiết sẽ điều hòa đúng mức bình thường, cũng như có đầy đủ chất men để giải độc hay hấp thu dinh dưỡng. Người mà ăn uống trong lòng vui vẻ, biết ơn, cảm thấy ngon miệng, thì chất nội tiết tất nhiên sẽ điều hòa, chất men cũng rất dồi dào. Vì vậy, tuy cùng ăn một thức ăn, mà người đó hấp thu dinh dưỡng và được lợi ích nhiều hơn hẳn người khác. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết, loại người này có hiệu quả trị liệu tốt nhất, chỉ cần ăn một chút gạo lức, gạo ngũ cốc, nhai kỹ khiến hoàn toàn tan vào trong nước miếng rồi nuốt từ từ, thì cũng hết được bệnh! Nguyên lý này, đức Phật đã sớm biết rõ từ gần ba ngàn năm trước, nên Ngài dạy chúng ta khi ăn cơm phải phát nguyện tốt đẹp và khéo dụng tâm.

Khéo vận dụng tâm niệm cầu nguyện hạnh phúc cho chúng sinh, cho đến cầu nguyện hạnh phúc cho tế bào

Cho nên tâm niệm lúc ăn uống, như tâm biết ơn, tâm tán thán, tâm phát nguyện, tâm hoan hỷ niệm Phật …, còn quan trọng và có lợi ích hơn nhiều so với nội dung thực phẩm. Đức Phật dạy chúng ta khi ăn phải cầu nguyện:

Khi con đang dùng cơm

Nguyện tất cả chúng sinh

Hưởng thức ăn Thiền duyệt

Ngập tràn tâm Pháp hỷ.

Đây là đức Phật dạy chúng ta khi ăn phải khéo vận dụng tâm niệm để điều hoà thân mình và tu tập công đức. Khéo dùng tâm phát nguyện tốt đẹp, cầu nguyện phước lành cho mỗi chúng sinh, mỗi tế bào đều ngập tràn niềm vui tột cùng của Thiền định (thiền duyệt), và niềm hoan hỷ đến từ chân lý (pháp hỷ); dùng tâm biết ơn và chánh niệm để thọ thực. Đối trước thức ăn, không khởi tâm tham, sân, thì tâm niệm mới không “tự tạo ra độc tố”. Độc tố này chỉ trong một niệm đã sinh ra số lượng lớn đưa vào trong huyết dịch, còn tai hại hơn nhiều so với chất độc từ ngoài vào! Nếu ăn những thức ăn sạch sẽ, dinh dưỡng mà trong tâm buồn giận, không vui, thì bao giờ cũng còn độc tố trong mình, không khi nào bài tiết ra hết.

Trị liệu bằng cách ăn uống, đừng thực hành một cách cực đoan, sai lệch, chỉ làm tăng thêm chướng ngại tâm lý

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người bệnh sử dụng cách ăn sống. Họ phần lớn đều mới nghe qua lời đồn đãi, truyền miệng, chưa biết rõ ràng, đã vội theo trí tưởng tượng của mình mà thực hành. Hay có người chưa hiểu thấu đáo đã tuyên truyền ý chỉ “thân, tâm, linh” phối hợp toàn bộ, liền thiên chấp một bề ăn sống, khiến bản thân phải mang thêm nhiều bệnh tật và rắc rối. Thậm chí có người, về mặt tâm lý đối với thức ăn rất lo sợ, hay đối với thức ăn đã nấu chín rất bất mãn hay bài xích. Họ ăn thức ăn gì cũng rất lo lắng, không bỏ được tâm lý “sợ”. Họ sợ cái này có độc, cái kia có hại, suốt ngày chỉ nghi ngờ, lo sợ vẩn vơ. Họ lại nghĩ không biết ăn cái này có bổ lắm không, sẽ khiến tế bào ung thư thêm lớn? Ăn cái kia có lạnh lắm không, sợ không đủ sức lực? Nói chung, họ ăn thứ gì cũng hồi hộp lo sợ, hoàn toàn tâm tự khích lệ mà lẽ ra nên có. Họ có biết đâu, chính những tâm niệm đen tối như “sợ hãi”, “nghi ngờ”, “bất mãn” đều là nguyên nhân tạo ra chất độc, làm tổn giảm năng lượng và sức đề kháng của cơ thể nhiều nhất. Ăn uống vốn là để phát huy ánh sáng sinh mệnh một cách thoả đáng, khiến chúng ta có sức để khai phát lương tri, lương năng và tu hành Phật đạo. Không ngờ chỉ sai lầm trong một niệm, lại khiến sinh mệnh tốt đẹp của mình vì ăn uống mà sợ hãi, lo lắng. Có một số người suốt ngày chỉ lo ăn mà bận rộn, nhọc nhằn, lại có một số người thà nhịn đói không ăn, song có lúc chịu không nổi nên ăn rất là nhiều. Lại có người nghe nói thứ gì tốt, liền theo trào lưu, thứ gì cũng ăn! Như có một nhóm nào đó từng cười, kể lại: Họ nghe nói có tiểu mạch rất tốt, liền không hỏi số lượng sử dụng bao nhiêu và thích hợp dùng trong điều kiện nào, liền mỗi người trong tập thể cùng uống một ly lớn (hiểu lầm uống càng nhiều càng tốt). Kết quả, “toàn quân tan rã”. Đây là cách dùng từ dí dỏm của họ, ý nói uống xong ai nấy cũng đều ói mửa, uể oải, đầu nhức, chân run đứng không muốn vững.

Nên biết cách trị liệu bằng ẩm thực, cũng phải cần “biết mình biết ta”, tức biết thể chất và tình trạng bệnh của mình, cũng như biết thuốc: biết đúng cách dùng và lượng dùng. Còn như không biết mình biết người, sử dụng một cách hồ đồ, khó tránh khỏi việc lệch lạc, nên không được lợi ích. Lại nữa, cần phải hiểu rõ một cách toàn diện mối liên hện giữa “thân, tâm, linh”, mới không phụ lòng của người quảng bá việc thương yêu, bảo vệ chúng sinh. Cho nên, chúng ta quyết không được “tu mù luyện quáng”, chưa hiểu rõ toàn bộ cách phối hợp và điều kiện sử dụng thích hợp, đã vội cố chấp một bề ăn sống. Cần phải biết mình biết người, mới là việc làm sáng suốt.

Ngoài ra, đối với những bạn thích tuyệt thực, tôi xin trân trọng giới thiệu một phương pháp tuyệt thực đúng đắn, an toàn và hợp lý nhất. Đức Phật chế giới Bát Quan Trai, tức trong một ngày một đêm (24 giờ), thọ tám giới và trai pháp. Trai, có nghĩa là quá giờ Ngọ không ăn, cho đến ngày hôm sau khi mặt trời mọc. Đây là tương đương với tuyệt thực 18 giờ. Điều này có ý nghĩa đạo lý rất sâu. Tạm nói về mặt y học, nó cũng là việc “nhịn ăn ngắn” rất hợp lý, có lợi ích cho mình và người. (Có chuyên đề thảo luận nguyên lý y học đối với vấn đề này)

Lại nữa, do tám giới điều chỉnh nội tâm đến mức an định, từ bi, khiến tâm niệm đoan chính, thanh tịnh (không tạo ra độc tố). Chữ Trai trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “nghiêm chỉnh, thanh tịnh”. Cho nên bát Quan Trai Giới mà đức Phật chế ra giúp thân tâm chúng ta được điều chỉnh đến mức nghiêm chỉnh, thanh tịnh và phát huy công năng tốt nhất.

Tám giới là: 1. không sát sinh, 2. không trộm cướp, 3. không hành dâm, 4. không nói vọng, 5. không uống rượu, 6. không dùng hương thơm, vòng hoa trang sức, 7. không tự mình ca múa và cũng không đi xem nghe, 8. không ngồi nằm trên giường cao rộng.

Nếu ai có thể phát tâm bồ đề rộng lớn, thọ trì tám giới này trong một ngày một đêm, thì công đức vô lượng, không thể nghĩ bàn.

Người thích nhịn ăn, có thể chọn ngày nghỉ nào mà mình thuận tiện, thọ tám trai giới này trong một ngày một đêm. Đức Phật là vị thầy của tất cả vị thầy thuốc lớn, nên pháp “không ăn quá Ngọ” mà Ngài dạy chúng ta là trung đạo và hợp lý nhất. Đây là phương pháp nhịn ăn ngắn và hữu ích, khiến thân tâm của mình được thanh tịnh, hoan hỷ và an lạc.

Pháp sư Đạo Chứng

Việt dịch: Thích Minh Quang

Trích: Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư – Nhà xuất bản Tôn Giáo