CHIA SẺ

phat-su-online-1518-1110-1401

Chúng ta nhìn về Truyền thông và các mạng xã hội có giúp gì được hay có những ưu thế gì cho việc hoằng Pháp là phải xem xét thật nghiêm túc và thấu đáo.

“Hoằng Pháp vi gia vụ; Lợi sinh vi bản hoài”, câu thành ngữ này, người đệ tử Phật ai cũng biết đến. Vậy từ ý nghĩa của nó, mặt nhiên một điều, hoằng Pháp là bổn phận thiêng liêng của người đệ tử Phật. Và đã gọi là thiêng liêng, có nghĩa là không có một lý sự gì về hoằng Pháp hay không hoằng Pháp, cố nhiên đệ tử Phật phải truyền bá Chánh Pháp, đó là bản nguyện của người tu. Và câu thành ngữ đó, còn nói lên một ý nghĩa rất quan trọng, đó là làm sao Phật Pháp được phổ cập. Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, phương pháp nào để Phật Pháp được lan tỏa và khi có phương pháp rồi thì định hướng hoạt động của nó ra sao. Như Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu ra những trọng tâm hoạt động “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng Pháp” và tặng từ của Hòa thượng Chủ tịch “Tâm trong, trí sáng, ngòi bút thép” cho lớp tập huấn Truyền thông – Công tác hành chính văn phòng, được tổ chức tại huyện đảo Phú Quốc (từ ngày 19 – 22/4/2018), đã nói lên sự nhìn nhận và quan điểm của Phật giáo về Truyền thông. Vậy chúng ta nhìn về Truyền thông và các mạng xã hội có giúp gì được hay có những ưu thế gì cho việc hoằng Pháp là phải xem xét thật nghiêm túc và thấu đáo.

Phổ cập hình ảnh đạo Phật

Hình ảnh và âm thanh có sức tương tác cao nhất trong giao tiếp mà Đức Phật chúng ta đã sử dụng qua hình ảnh khất sĩ và du hành hoằng Pháp. Giờ đây, để làm hình ảnh Tăng đoàn, hình ảnh Phật giáo được lan tỏa rộng rãi và quen thuộc đối với quần chúng, chúng ta không vất vả đi trực tiếp trên mọi nẻo đường nữa mà sử dụng các trang mạng xã hội đó là một ưu thế rất quan trọng.

Thời sự và tương tác

Với công nghệ hiện nay, chúng ta truyền đạt tin tức ngay khi sự việc đang diễn ra, vì vậy nó mang tính thời sự. Nếu trước đây, một buổi thuyết giảng của vị giảng sư, một sự kiện Phật giáo diễn ra thì chỉ có những người tham dự trực tiếp mới tiếp nhận được nội dung nhưng bây giờ, ngoài những người tham dự trực tiếp, những người do điều kiện cuộc sống, bận việc vẫn có thể ở nhà hay bất cứ đâu vẫn biết được những diễn biến đang diễn ra. Hiện nay, quý tôn đức như thầy Nhật Từ, thầy Minh Nhẫn, thầy Thái Minh là một trong những tấm gương sử dụng ưu thế này của mạng xã hội để hoằng Pháp. Từ tính thời sự như vậy, kéo theo hệ quả là tính tương tác.

Khi người nhận được tin, họ có ý kiến, có phản hồi trực tiếp từ tin quý thầy truyền đạt. Và khi có tính tương tác như vậy thì tạo lập nên tính dân chủ, và kiểm soát được hiệu ứng tin của các tổ chức đăng tải. Ví dụ chúng ta biết được bao nhiêu người đã xem tin chúng ta đăng, họ có quan điểm nhìn nhận về tin này như thế nào và ta có thể học hỏi nhiều kiến thức từ sự phản hồi của họ v.v….

Tính kinh tế và lan toả

Trước đây để một bài Pháp phổ biến rộng rãi, chúng ta phải tốn rất nhiều chi phí như: tiền thuê quay phim, tiền dựng phim, tiền mua máy chép đĩa và tiền vận chuyển đến các nơi mà ta muốn bài giảng đó đến với quần chúng và số lượng cũng hạn chế. Hôm nay, chúng ta không còn mất những khoản chi phí nặng nề đó nữa mà tất cả các tin chúng ta đưa hoàn toàn free (miễn phí). Và từ mạng xã hội cho nên không gian không còn giới hạn một đất nước nào mà xuyên quốc gia nên gọi là thế giới phẳng, chúng ta cũng tránh được giấy phép xét duyệt này nọ v.v…

1-dai-bieu-tham-du-hoi-thao-phat-giao-va-cach-mang-cong-nghe-40-1111-1402

Lưu trữ dữ liệu

Đi bất cứ nơi đâu, thời gian nào, chỉ cần người hoằng Pháp có điện thoại thông minh và có mạng, chúng ta sẽ làm được tất cả việc. Vì ưu thế mạng xã hội, hay kho dữ liệu đám mây, sẽ giúp chúng ta có nguồn dữ liệu do chính ta tạo hoặc tìm kiếm. Vì vậy, một lời thỉnh cầu bất ngờ, ta có thể lên kho dữ liệu đám mây, trang cá nhân của chúng ta để lấy tài liệu giảng dạy cho lời thỉnh cầu bất ngờ đó mà không bị lúng túng.

Tính chia sẻ thông tin

Chia sẻ là một lối sống hiện đại và rất phù hợp với lời Phật dạy “kiến hòa đồng giải”. Khi chúng ta sử dụng truyền thông xã hội, chúng ta có thể chia sẻ mọi thứ với nhau. Ví dụ hôm nay chúng ta không tham dự lớp học, không tham dự buổi hội thảo, nhưng huynh đệ chúng ta có tham dự, chúng ta muốn đăng thông tin chúng ta chỉ việc chia sẻ thông tin từ người bạn có tham dự từ thông tin của họ đăng.

Hoặc chúng ta có thể chia sẻ các thông tin, tài liệu khác qua chức năng mà mạng xã hội đã có. Điều này rất hữu ích. Ví dụ có một thông tin không hay về Phật giáo, chúng ta có vị nào đó viết bài tốt phản hồi lại thông tin đó. Và chúng ta cùng nhau lấy bài viết phản hồi tốt đó share (chia sẻ) đồng loạt thì chúng có sức mạnh liên kết thông tin, định hướng lại thông tin xấu.

Minh Chính