CHIA SẺ

AnLễ nghi trên bàn ăn có liên quan mật thiết với việc giáo dục của gia đình mà một người được dạy dỗ từ khi còn bé. Những người không có lễ nghi trên bàn ăn không phản ánh thói quen cá nhân mà cho thấy sự giáo dục của cha mẹ.

Một công ty tuyển nhân viên, có một nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá, kết quả thi viết rất xuất sắc, được mời đến dự buổi tiệc phỏng vấn của các quản lý cấp cao. Lúc đến, nghiên cứu sinh này ăn to nói lớn, sau khi anh ta ăn thì trên bàn toàn là nước tương và thức ăn vương vãi.

Cảnh tượng này khiến hội đồng phỏng vấn rất thất vọng. Cuối cùng, bộ phận tuyển dụng nói với anh này rằng tuy năng lực của anh ta rất ưu tú, nhưng không thể tuyển dụng được…

Lễ nghi trên bàn ăn có liên quan mật thiết với giáo dục của gia đình mà một người nhận được từ khi còn bé. Người thiếu lễ nghi trên bàn ăn, thứ phản ánh đầu tiên không phải là thói quen xấu của cá nhân người đó mà phản ánh sự giáo dục của cha mẹ và nề nếp gia đình.

Phép tắc trên bàn ăn

Trong một bữa tiệc, có gia đình nhà nọ ngồi ăn. Đứa bé tầm 5-6 tuổi, vừa ăn vừa chạy loạn lên. Đến khi có món nào ngon được mang lên là người mẹ lớn tiếng gọi thằng bé lại. Một vị khách vừa cầm đũa gắp thức ăn thì đột nhiên có một cánh tay chồm qua: “Cái này là của cháu”, người này bất ngờ nên làm rơi đũa, nước bắn ra khắp xung quanh bàn. Thế mà mẹ của thằng bé lại vẫn vừa ăn vừa nói chuyện với người khác như thể mọi chuyện chẳng có liên quan gì đến cô ấy.

Khi bữa tiệc chưa kết thúc, người mẹ này không biết lấy từ đâu ra một cái túi, đổ mấy món trên bàn vào trong túi, vừa đổ vừa nói: “Mọi người ăn no rồi phải không? Món này tôi lấy nhé”, khiến người chồng ngại ngùng xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu.

Thông thường thì người lớn quan tâm nhất là làm thế nào để con ăn uống tốt, nhưng lại thiếu chú trọng đến việc giáo dục trẻ cách ăn. Trên bàn ăn không ít những đứa bé có “tướng ăn” thiếu lễ phép: có trẻ bò lên bàn xáo tung món ăn trong đĩa lên, có trẻ cứ thế gắp món mình thích vào trong chén, có trẻ lại húp sùm sụp to tiếng khi uống canh. Còn cha mẹ thì thấy con mình như vậy thì cũng chỉ xem như chuyện bình thường.

Khi quan sát cách ăn uống của những đứa trẻ này, mọi người đều lập tức nhận ra ngay đứa trẻ bị khiếm khuyết về giáo dục, không được cha mẹ dạy dỗ đúng mực về các phép tắc trên bàn ăn.

Tầm quan trọng của việc giáo dục con trẻ trên bàn ăn

Chúng ta hàng ngày đều có tiếp xúc, quan hệ với những người xung quanh mình, mà bàn ăn là nơi giao lưu quan trọng để phát triển mối quan hệ giữa người với người. Ở giai tầng xã hội càng cao thì càng nhiều phép tắc. Và việc xây dựng thói quen ăn uống chuẩn mực là tiền đề quan trọng đảm bảo sự thành công trong sự nghiệp sau này của con trẻ.

Có những bậc phụ huynh chê việc giáo dục trên bàn ăn là hà khắc: “Trời đánh tránh miếng ăn, cứ để chúng ăn tự do thoải mái đi, gò ép làm gì?”. “Chúng vẫn còn là trẻ con, cần gì mà phải sớm tính toán thế?” v.v… Đúng vậy, chính vì còn là trẻ con, giống như một trang giấy trắng nên trẻ mới càng cần được quan tâm, bảo vệ; chính vì là trẻ con nên sự ngây thơ của trẻ vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, vì vậy trẻ mới càng cần phải được giáo dục tốt để trở thành người có nhân cách tốt, có ích cho xã hội.

Bài thiền ăn chậm đơn giản dành cho trẻ

Với nhịp sống bận rộn như ngày nay, không chỉ người lớn mà cả trẻ con toàn ăn uống trên đường đi hoặc tống vội thức ăn vào bụng trước khi làm việc tiếp theo. Bạn có thể quan sát thấy hình ảnh các em bé ăn vội miếng bánh mì hay gói xôi khi ngồi sau xe máy của bố mẹ trên đường đến trường. Hãy sống chậm lại – cơ thể và tâm trí bạn sẽ rất biết ơn bạn đấy! Hãy kêu gọi những người khác trong gia đình cùng thực hiện bài thiền này ở bất cứ mức độ nào mà họ làm được.

1. Chọn một chỗ trên bàn ăn và ngồi xuống ăn. Nhìn vào thức ăn của bạn, hãy tạm dừng để hít thở, chú ý tới mùi hương, cảm giác bề mặt và màu sắc. Dù cho đó có là một bữa cơm giản dị thông thường, bạn vẫn có thể tận hưởng vẻ đẹp và niềm vui trong đó. Ngay cả một bát cháo loãng cũng mang vẻ đẹp riêng khi bạn chậm lại và quan sát thật kĩ. Hãy nghĩ xem bát cháo đó đã được tạo thành như thế nào, với công sức của biết bao nhiêu người để khởi tâm tri ân trân trọng.

2. Hãy cúi đầu tỏ lòng biết ơn vì có bữa ăn rồi cầm thìa hay đũa lên và ăn một miếng. Hãy để miếng thức ăn nấn ná trên lưỡi một vài giây trước khi bắt đầu nhai.

3. Nhai lâu và chậm rãi, thực sự nếm từng miếng thức ăn. Có thể bạn nghĩ rằng thứ gì đó thật nhạt nhưng khi nhai kĩ hơn nó lại có vị ngọt. Hãy ăn hết cả bữa ăn theo cách chậm rãi và chính niệm như vậy.

Nhóm Đại Bảo Tháp biên soạn

Nguồn: Giáo dục trên bàn ăn và bài thiền đơn giản cải thiện “tướng ăn” của trẻ