CHIA SẺ

HH-Dalai-Lama-Richard-GereRichard Gere: Hành trình của tôi với tư cách một Phật tử
Phóng viên Melvin McLeod (Ông là Tổng biên tập tạp chí Lion’s Roar (Tiếng gầm của Sư tử, trước đây là tờ Shambhala Sun) và Buddhadharma).

Trong cuộc phỏng vấn năm 1999, Richard Gere nói về những năm tháng tu tập của mình, sự cống hiến của anh cho Lão sư của mình là Ngài Đạt La Lạt Ma và sự nghiệp đấu tranh cho tự do của Tây Tạng của Ngài.

Tôi cho là chúng ta đang biểu hiện chủ nghĩa hoài nghi khi không chịu tin rằng những người nổi tiếng cũng có thể là những người rất nghiêm túc. Hiện tượng có nhiều nhân vật nổi tiếng trở thành Phật tử gần đây làm phát sinh một số nhận định ác ý trong giới báo chí và cả trong giới tu hành, nhưng bản thân tôi rất ngưỡng mộ những diễn viên, đạo diễn, những nhạc sĩ và các nhân vật nổi tiếng khác đã giúp mọi người nhận thức rõ hơn sự nghiệp đấu tranh cho tự do của Tây Tạng và giá trị của việc thực hành Phật pháp. Đây là những nghệ sĩ ưu tú và là những con người chín chắn. Một số là Phật tử, một số không phải, trong số đó có Martin Scorsese, Leonard Cohen, Adam Yauch, Michael Stipe, Patti Smith, và dĩ nhiên, Richard Gere. Tôi gặp Gere mới đây trong văn phòng của anh ở New York, và chúng tôi nói về thời gian tu học của anh, công việc phụng sự cho Lão sư của anh, Ngài Đạt La Lạt Ma, và công việc hoằng dương chánh pháp và sự nghiệp đấu tranh cho nhân dân Tây Tạng – Melvin McLeod.

Melvin McLeod: Điều gì khiến cho anh đến với Đạo Phật?

Richard Gere: Có hai lý do. Thứ nhất, khi tôi thật sự thích đọc sách Phật giáo, và hai là gặp được Thầy của tôi. Nhưng trước đó tôi rất thích triết học. Tôi đã đến với Phật giáo thông qua các nhà triết học Phương Tây, cụ thể là Bishop Berkeley.

Melvin McLeod: “Nếu một cây xanh ngã xuống trong khu rừng và chẳng ai nghe thấy, điều đó có thực sự xảy ra không?”.

Richard Gere: Có. Lý thuyết của ông là chủ nghĩa duy tâm – ông cho rằng thực tại chỉ là một sự biểu hiện của tâm thức. Ông khẳng định về cơ bản chỉ có “cái tâm thức mà thôi”. Thật là triệt để, nhất là đối với một cha xứ. Tôi khá đồng tình với ông. Tôi thấy những người theo thuyết sinh tồn cũng thú vị. Tôi nhớ lại mình lúc nào cũng mang theo cuốn “Being and Nothingness” (“Có và Không”) mà không hiểu lý do vì sao. Sau đó tôi nhận ra “Không” không phải là một từ phù hợp. “Tánh không” mới thật sự là cái họ muốn tìm, không phải chủ nghĩa hư vô mà là một cách nhìn tích cực.

Tôi tiếp cận với giáo pháp của Đức Phật từ khi chưa đến 20 tuổi. Cũng như hầu hết những gã trai trẻ khác tôi cũng không thoả mãn và luôn thắc mắc “Tại sao nhỉ?” Tôi nhớ lại có lẽ mình hơi bị ngông vì tôi lục tìm các tiệm sách mở cửa muộn vào ban đêm và đọc tất cả những gì có thể, đủ các loại chủ đề. Sách của Evans-Wentz về Phật giáo Tây tạng ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất. Tôi ngấu nghiến tất cả.

Melvin McLeod: Nhiều người trong số chúng ta tìm được cảm hứng sống nhờ những quyển sách này. Cái gì trong những sách đó lôi cuốn anh nhất?

Richard Gere: Những quyển sách này có tất cả sự lãng mạn của sách tiểu thuyết nên anh có thể đắm mình trong đó, nhưng đồng thời cũng chúng cung cấp cho anh cơ hội để vẫn vừa sống ở cõi đời này vừa vẫn được tự do. Tôi đã chưa bao giờ nghĩ điều đó có thể được – tôi chỉ muốn biến mất – vì vậy quả thật ý tưởng bạn vừa có thể sống ở cõi đời này vừa vẫn được giải thoát, ý tôi là nói về tánh không, mang đầy tinh thần cách mạng.

Vì vậy con đường Phật giáo, nhất là Phật giáo Tây tạng, rõ ràng đã cuốn hút tôi, nhưng tôi lại thực hành Thiền trước nhất. Người thầy đầu tiên của tôi là Sasaki Roshi. Tôi nhớ rõ mình đến Los Angeles tham dự khóa thiền 3 ngày. Tôi đã phải tập duỗi chân trong nhiều tháng để chuẩn bị cho khóa học này.

Tôi đã có một trải nghiệm kỳ diệu với Thầy Sasaki Roshi, một trải nghiệm thực tế. Tôi đã hiểu ra, phải nỗ lực, phải nỗ lực. Không phải là chuyện bay bổng trong không trung, không phải phép màu hay lãng mạn gì cả. Đây là nỗ lực điều phục tâm. Đối với tôi đó là một phần quan trọng của con đường tu học.

Thầy Sasaki Roshi vừa tốt bụng vừa rất nghiêm khắc. Tôi là người mới nhập đạo và chẳng biết tí gì. Tôi ngông nghênh, phức tạp và dễ dao động. Nhưng tôi lại rất muốn học một cách nghiêm chỉnh. Tôi học đến cuối khóa mà vẫn không biết cách trình pháp. Tôi cảm thấy mình chẳng thâm nhập được gì để đối phó với mấy cái thiền công án (Koans) mà họ muốn lôi tôi vào. Cuối cùng, tôi cũng học được cách ngồi yên và tôi nhớ là Thầy mỉm cười với tôi”. Thầy nói: “Vậy là chúng ta có thể bắt đầu được rồi”. Không có gì để nói cả, chẳng có điều vớ vẩn nào cả, không gì cả.

Ngài Đạt La Lạt Ma nhìn rất sâu vào mắt tôi và bắt đầu cười. Tôi thật là điên khùng. Ngài cười vào cái ý tưởng của tôi cho rằng các cảm xúc là có thật.

Melvin McLeod: Khi một người nào có quan hệ sâu sắc với ai đó, Phật giáo cho rằng đó là do duyên, có liên hệ từ kiếp trước với giáo pháp.

Richard Gere: Ừm, tôi có hỏi mấy Thầy về điều đó, anh biết đó, điều gì đã dẫn dắt tôi đến với Phật pháp. Họ chỉ cười thôi. Tôi nghĩ chắc có tiền định gì đó, hoặc chỉ là duyên thôi. Nghiệp không vận hành theo cách đó. Hiển nhiên có liên hệ gì đó rất rõ ràng và dứt khoát với Tây Tạng nếu không đã không có chuyện gì xảy ra. Cuộc đời tôi đã không đưa đẩy đến như bây giờ.

Tôi nghĩ tôi luôn cảm thấy rằng tu tập mới là cuộc sống thật của tôi. Tôi nhớ lại khi mới bắt đầu tập thiền lúc 24 tuổi, lúc tôi phải quyết định đường hướng cho đời mình. Tôi nhốt mình trong căn hộ nhỏ xíu của mình hàng tháng trời, chỉ tập Tai-chi và cố gắng tập ngồi thiền. Tôi có cảm giác rất rõ rằng mình luôn đang tập thiền, rằng tôi chưa bao giờ bỏ thiền tập. Điều đó giống như là thực tại đối với tôi chứ không phải cái thực tại mà chúng ta thường cố tạo ra. Tôi đã cảm nhận rất rõ, nhưng đã phải mất rất nhiều thời gian để hiểu ra, trải qua nhiều lần thực tập, quan sát cái tâm của tôi và cố gắng để phát bồ đề tâm.

Melvin McLeod: Lần đầu anh gặp Ngài Đạt La Lạt Ma là lúc nào?

Richard Gere: Tôi đã học thiền được 5 hay 6 năm trước khi gặp Ngài ở Ấn Độ. Chúng tôi bắt đầu bằng một cuộc trao đổi nhỏ và Ngài nói: “Ồ, vậy anh là một diễn viên?”. Ngài dừng lại một giây rồi nói tiếp: “Vậy khi anh diễn cảnh giận dữ, anh có thật sự giận dữ không? Khi anh diễn cảnh buồn, anh có thật sự buồn không? Khi anh diễn cảnh khóc than, anh có thật sự khóc không?”. Tôi cung cấp vài câu trả lời bằng hiểu biết của một diễn viên, rằng sẽ hiệu quả hơn nếu bạn thật sự tin vào cảm xúc mà bạn đang minh họa. Ngài nhìn rất sâu vào mắt tôi và bắt đầu cười. Tôi thật là điên khùng. Ngài cười vào cái ý tưởng của tôi cho rằng các cảm xúc là có thật, rằng tôi đã nỗ lực rất nhiều để tin vào những cảm xúc giận dữ, ghét bỏ, buồn bã hay đau khổ và dằn vặt.

Buổi gặp mặt đầu tiên đó diễn ra tại Dharmsala trong một căn phòng nơi mà bây giờ tôi thường hay gặp Ngài. Tôi không thể nói rằng cảm xúc đã thay đổi nhiều. Tôi vẫn rất căng thẳng và phản đối Ngài rất nhiều thứ, mà giờ thì Ngài đã quen rồi. Ngài nhanh chóng đâm thủng cái mớ bòng bong đó, bởi vì Ngài có những lời nguyện mạnh mẽ, và hơn tất cả, Ngài rất hiệu quả và khéo léo đi thẳng vào vấn đề. Vì rằng lý do duy nhất một người nào đó muốn gặp Ngài là để ý thức và từ bỏ được đau khổ.

Lần gặp gỡ này đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi. Chắc chắn là như vậy. Không hẳn là tôi phải nghĩ: “Ồ, chắc mình từ bỏ hết và đi vào chùa ở thôi”, mà rằng tự nhiên tôi phải dấn thân vào những việc như cộng tác với các Thầy, ủng hộ dòng truyền thừa này, học bất kỳ điều gì cần thiết và xả thân vào cuộc. Dù cho mức độ nghiêm túc và cam kết không phải lúc nào cũng giống nhau kể từ đó, nhưng tôi thật sự đã không đi ra ngoài quỹ đạo.

Melvin McLeod: Ngài có làm việc riêng với anh không, để tìm nhiều cách giúp anh ổn định tinh thần như mấy Lão sư Phật giáo thường làm, hay dạy cho anh nhiều hơn bằng chính tấm gương của Ngài?

Richard Gere: Hiển nhiên Ngài là Bổn sư của tôi, và đôi khi rất nghiêm khắc với tôi. Tôi phải giải thích với những người có cái nhìn lãng mạn về Ngài rằng có lúc Ngài rất dữ với tôi, nhưng lại theo cách rất khéo léo. Những lúc như vậy tôi khẳng định là không có cái ngã từ phía Ngài, mặc dầu có thể không dễ chịu gì đối với tôi. Tôi rất biết ơn Ngài đã tin tưởng tôi nên đã luôn cho tôi học theo gương Ngài mà không dè dặt chỉ trích. Mà trong buổi gặp đầu tiên thì không phải vậy, Ngài biết tôi rất mỏng manh nên Ngài rất cẩn trọng. Tôi nghĩ giờ Ngài đã cảm nhận được tôi nghiêm túc học hỏi hơn và tôi đã có chút nội lực trong thực hành giáo pháp nên Ngài tỏ ra cứng rắn với tôi hơn.

Melvin McLeod: Trường phái Gelugpa của Phật giáo Tây Tạng nhấn mạnh đến phân tích. Điều gì cuốn hút anh đến với khuynh hướng mang tính trí tuệ cao hơn này?

Richard Gere: Vâng thật buồn cười. Tôi nghĩ tôi bị Dzogchen [những lời dạy về Đại toàn (Great Perfection) của trường phái Nyingma] lôi cuốn theo bản năng. Tôi nghĩ cái kéo tôi đến với Thiền cũng giống như cái đã đưa tôi đến vời Dzogchen.

Melvin McLeod: Không gian.

Richard Gere: Vô khái niệm. Đi thẳng vào không gian vô niệm. Gần đây tôi gặp vài vị sư Dzogchen đã rất giúp tôi thấy rõ Dzogchen có thể vượt hơn nhiều môn thiền khác mà tôi đã thực hành. Nhiều lúc Dzogchen làm cho tôi có được cái nhìn mới mẻ và cho phép tôi thấy rõ mình bị rơi vào trong các ngã tẻ giới hạn khi lười biếng hoặc gặp các cản trở.

Tuy nhiên chúng tôi nghĩ lựa chọn khôn ngoan cho tôi là làm việc với Gelugpas, mặc dầu không gian vẫn là không gian dù là ở bất kỳ đâu. Tôi nghĩ cách tiếp cận mang tính phân tích – tức là nhìn thấy cái vô ranh giới của cái không gian đó là điều rất quan trọng. Nói một cách nào đó, thì người ta đạt được sự quân bình từ việc có thể điều khiển được cái lý trí của mình. Khi không gian không có mặt cho bạn, cái công việc lý trí sẽ vẫn làm cho bạn khổ sở. Tôi vẫn tìm thấy mình trong các tình huống khi cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát và cơn giận nổi lên, và rất khó đi vào vùng không gian trắng tinh khiết tại điểm đó. Như vậy tiếp cận mang tính phân tích để kiểm soát tâm trí là rất hữu ích. Nó rất rõ ràng để trụ vào và giúp bạn bình ổn.

Melvin McLeod: Anh đã tiến bộ như thế nào trong việc tu tập, sau khi bước vào con đường vajrayana. Xin anh chia sẻ trong khả năng có thể được.

Richard Gere: Tôi hơi ngần ngại khi nói về điều này bởi vì thứ nhất là tôi không biết nhiều, hai là với tư cách một ngôi sao, nếu ai đó trích lời mình ngoài bối cảnh phù hợp thì có khi chẳng có lợi gì cả. Tôi có thể nói rằng dù có thực hành bất cứ môn thiền tập nào thì tôi vẫn phải dựa trên những hình thức cơ bản như quy y, phát bồ để tâm (tâm từ bi và trí giác ngộ) và hồi hướng công đức cho người khác. Dù các lão sư của tôi có cho phép tôi học đến cấp độ nào thì cũng bao hàm những bước cơ bản này.

Nói chung, tantra đã trở nên ít hấp dẫn hơn đối với tôi vì đã thành quen thuộc. Đó là một giai đoạn thú vị trong quá trình thực hành khi mà cái thực tại đặc biệt đó trở nên bình thường. Tôi không có ý nói là tầm thường hay vụn vặt, mà là tôi cảm nhận thực tại đó bình thường như là tôi đã từng cố xem nó là bình thường. Tôi có thể tin tưởng điều đó.

Melvin McLeod: Anh đánh giá cao nhất những quyển sách Phật giáo nào?

Richard Gere: Nhiều người đề nghị tôi giới thiệu sách Phật giáo và tôi luôn khuyên người mới bắt đầu thì đọc quyển “Thiền tâm và Sơ tâm” (Zen Mind, Beginner’s Mind). Tôi luôn đề nghị họ đọc sách của Ngài Đạt Lai Lạt Ma. Quyển sách “Tử tế, trong sáng và từ bi” (Kindness, Clarify and Compassion) của Ngài đặc biệt hay. Có những phần rất tuyệt vời. Quyển “Sự độc đáo của Mật giáo” (The Tantric Distinction) của Jeff Hopkin rất hữu ích và còn nhiều quyển khác nữa.

Melvin McLeod: Anh thường đến Ấn độ. Có phải nhờ vậy anh có cơ hội thực tập trong một môi trường yên tĩnh hơn?

Richard Gere: Thật ra ở đó còn động loạn hơn! Khi đến đó, tôi cũng giống như một thực tập sinh nhưng cũng có nhiều việc phải làm hơn. Nhiều người yêu cầu được giúp đỡ và rất khó để từ chối. Vì thế đó không phải là thời gian yên tĩnh cho tôi nhưng đó là môi trường tốt nơi mọi người đều tập trung thực hành giáo pháp và Ngài Đạt Lai Lạt Ma là trung tâm điểm nền thật là tuyệt vời.

Melvin Mcleod: Khi anh ở Dharamsala, anh có cơ hội để học Phật Pháp với Đức Đạt Lai Lạt Ma và những vị thầy khác không?

Richard Gere: Tôi đã cố gắng tìm tìm gặp tất cả các lão sư. Một số vị ẩn tu trên núi nhưng thường hạ sơn khi Ngài Đạt Lai Lạt Ma đến giảng pháp. Đó là lúc học hỏi nhưng với tôi là ghi nhớ. Cuộc sống luôn làm cho bạn phân tâm và rất dễ đi lệch khỏi quỹ đạo. Đi đến đó là một cơ hội để ghi nhớ, rằng tại sao chúng ta có mặt ở đây, vì cái sứ mệnh gì.

Melvin McLeod: Ở Mỹ, anh đã ở trong thế giới phim ảnh mà mọi người cho là rất mang tính thương mại, đầy quyền năng và thậm chí mang tính sát phạt.

Richard Gere: Tất cả đều đúng, thì cũng giống như cuộc sống của mọi người thôi. Cũng chỉ là các hợp đồng. Cũng đầy cảm xúc, đau khổ, rắc rối. Chẳng có gì khác.

Melvin McLeod: Anh có thấy mình phải chia chẻ chất lượng cuộc sống vì phải chuyển đổi giữa hai thế giới này?

Richard Gere: Tôi cảm thấy càng dấn sâu vào nghề nghiệp, một cuộc sống đời thường, thì việc thực hành sâu sắc giáo pháp là một thử thách lớn đối với tôi. Nếu tôi không lao vào chợ đời, tôi sẽ không thực sự có thể đối mặt với những khuất tất, góc cạnh và cái xấu xa bên trong mình. Tôi sẽ không nhìn thấy được. Tôi không gan lỳ mà cũng không sáng láng lắm. Tôi cần thực tế cuộc sống để biết mình là ai, để tôi liên tục quan sát được cái tâm của mình. Trốn trong hang tôi sẽ không thấy được. Vấn đề đối với tôi là nếu tôi tìm được một trạng thái an lạc, tôi sẽ trú trong đó. Đó sẽ là cái chết và tôi không muốn điều đó. Như tôi đã nói, tôi chưa phải là một hành giả xuất chúng. Tôi biết khá rõ mình là ai. Tốt nhất là tôi vẫn nên lăn xả vào thế giới này.

Melvin McLeod: Anh áp dụng những phương thức cụ thể nào để mang giáo pháp vào trong công việc, ngoài vấn đề kiểm soát tâm của mình và nỗ lực để làm một con người cao quý?

Richard Gere: Ồ cám ơn anh nhiều! Đây là một vấn nghiêm túc.

Melvin McLeod: Đúng vậy. Nhưng đó là những thử thách mà chúng ta ai cũng đều phải đối mặt. Tôi chỉ thắc mắc không biết anh có mang cách nhìn của Phật giáo vào một phim trường cụ thể nào không?

Richard Gere: Nói về phim, chúng ta đang làm việc với những cái gì đó chia chẻ thực tại ra thành từng phần nhỏ, và nhận thức được sự chia chẻ thời gian và không gian theo tôi là giúp ích cho sự thực tập, cho việc nới lỏng tâm thức. Phim ảnh chẳng có gì là thật cả, không gì cả. Ngay cả các phân tử ánh sáng chiếu thành phim cũng không thể chứng minh là thật có. Chẳng có gì cả. Chúng ta biết rõ là mình đang tạo ra nó, chúng ta là những nhà ảo thuật đang làm trò. Nhưng chúng ta lại bị mắc bẫy, luôn nghĩ rằng tất cả là thật, rằng những cảm xúc là có thật, rằng đối tượng có thật, và cái máy quay phim thu nhận thực tại.

Mặt khác, có một cảm nhận kỳ lạ là máy quay phim thấy nhiều hơn đôi mắt của chúng ta. Nó thể hiện con người theo cách mà chúng ta thường không nhìn thấy. Có một mức độ áp lực trong đó. Bạn đang bị quan sát, người khác thật sự đang nhìn bạn, và không có nơi nào để trốn đi cả.

Melvin McLeod: Nhưng thật sự không có cách nào để bạn thật sự xử lý cái sản phẩm để …?

Richard Gere: Ý anh là để chỉ bày cho người khác thông qua điều đó? Ừm, tôi cho rằng những cái này quá bí ẩn nên không thể thực hiện một cách có ý thức. Không nghi ngờ gì, là một học sinh kém cỏi mà được như bây giờ, tôi đã học hỏi rất nhiều và đã áp dụng được một chút. Bằng cách nào đó không phải nhờ tôi nỗ lực mà dù có muốn hay không nó đã phát huy. Cho nên đây là điều có giá trị. Cũng giống như với mọi người: những năng lượng tích cực nào đó nếu đã từng chạm đến họ trong nhiều kiếp sống thì sẽ quay trở lại. Nếu nhìn vào mắt họ, khi máy quay phim quay cận cảnh, có cái gì đó rất bí ẩn. Không có cách nào bạn mô tả được, không thể dự tính trước được, mà máy quay phim sẽ thu nhận nó theo một cách hoàn toàn khác hơn là cách mà ai đó sẽ làm khi ngồi đối diện với bạn.

Melvin Mcleod: Anh có cảm thấy thoải mái ở trong vai trò của một người phát ngôn cho giáo lý Phật Đà không?

Richard Gere: Giáo lý ư? Tôi chưa và sẽ không bao giờ cho phép mình nghĩ như thế. Tôi không phải là người phát ngôn cho giáo lý Phật Đà. Tôi thiếu những phẩm chất cần thiết.

Melvin McLeod: Nhưng công chúng lúc nào cũng quan tâm đến việc anh là một Phật tử.

Richard Gere: Tôi chỉ có thể nói về những gì mình đã áp dụng, từ quan điểm rất hạn chế của mình. Mặc dầu đã được nhiều năm, tôi không dám nói là mình hiểu biết hơn nhiều. Tôi không thể nói là mình đã kiểm soát được cảm xúc, tôi không biết hết tâm thức của mình. Tôi cũng bị lầm lạc như mọi người. Vậy nên tôi không thể là người lãnh đạo. Trong những bối cảnh thực tế, tôi có nói về những điều này, nhưng chỉ với ý nghĩa rằng đó là những gì các lão sư dạy cho tôi. Không có cái gì của riêng tôi cả.

Melvin McLeod: Khi anh được hỏi về Phật Pháp, có nhiều đề tài mà anh cảm thấy khi trao đổi cảm nhận của anh sẽ giúp được cho mọi người không? Chẳng hạn tâm từ bi.

Richard Gere: Dĩ nhiên rồi. Tôi sẽ có thể thảo luận về trí tuệ và từ bi theo một số cách, và có hai khía cạnh chúng ta cần khám phá – mở rộng tâm lượng và tâm thức. Đến một lúc nào đó sẽ dung thông được cả vũ trụ trong tâm, và tương tự như vậy với trái tim, bằng tâm từ, hy vọng cả hai cùng một lúc. Không tách biệt nhau.

Tôi đã từng chứng kiến Ngài Đạt Lai Lạt Ma dạy về bồ đề tâm và không ai mà không rơi lệ. Chỉ nghĩ về điều này thôi tôi đã muốn khóc.

Melvin McLeod: Khi anh nói điều này, tôi nhớ lại đã từng xúc động thế nào khi nghe Ngài nói chuyện. Ngài dạy về lòng từ bi, và Ngài rất thường nói về điều này, nhưng tôi cũng thắc mắc là điều gì sẽ xảy ra nếu Ngài nói với số đông đại chúng về trí tuệ trong Đạo Phật, tức là về tính không. Cái gì sẽ xảy ra cho cả thế giới nếu tất cả những điều này đều không thật có.

Richard Gere: Ừm, Đức Phật có nhiều cách chuyển pháp luân và tôi nghĩ Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng làm theo cách tương tự. Nếu chúng ta bị bản năng chế ngự thì cách tốt nhất để bắt đầu thoát ra là học cách trở nên từ bi. Ai đó hỏi Ngài: “Làm thế nào Ngài dạy cho một đứa trẻ biết cách quan tâm và tôn trọng mạng sống của động vật?”. Ngài nói bạn hãy thử giúp trẻ thương và tôn trọng một con côn trùng, điều mà theo bản năng chúng ta thường cự tuyệt. Nếu trẻ có thể thấy được khả năng cảm giác, tiềm năng và tính chất hoàn hảo của nó bằng lòng từ, điều này sẽ giúp ích rất nhiều.

Melvin McLeod: Tôi đọc trong một bài giảng của Ngài rằng tình thương của người Mẹ là biểu tượng tốt nhất cho tình yêu và lòng từ bi, bởi vì nó hoàn toàn vô tư.

Richard Gere: Nectar. Nectar chính là cái đó. Trong truyền thống Vajrayana, những ân đức tâm linh được hình dung như là nước cam lồ rưới xuống thiền giả. Đó chính là sữa mẹ, đến từ người mẹ. Nhất định là như vậy.

Melvin McLeod: Mặc dầu anh cẩn trọng khi nói đến pháp Phật, anh là người phát ngôn say sưa về vấn đề tự do của Tây Tạng.

Richard Gere: Tôi đã đi qua nhiều chặng đường trong vấn đề đó. Cái cảm giác sân giận xảy đến với tôi cách đây 20 năm giờ đã khác đi. Giờ chúng ta đều cùng một hoàn cảnh, Hít-le, người Trung Quốc, anh và tôi, những gì chúng ta làm ở Trung Mỹ. Không ai không bị rắc rối do vô minh. Nếu có làm điều gì sai, thì chính người Trung Quốc đang tạo ra nguyên nhân cho những kiếp sống kinh khủng trong tương lai cho chính họ. Và chúng ta không thể không thương cảm cho họ vì điều đó.

Khi tôi nói chuyện với người Tây Tạng, những người bị giam riêng trong 20 hay 25 năm qua, họ nói với tôi thật lòng từ đáy tim mình rằng vấn đề này lớn hơn là sự tra tấn mà họ phải chịu đựng và họ cảm thấy tội nghiệp và đáng thương cho kẻ tra tấn họ vì người này đang để bản chất thú vật của họ lấn át bản chất con người. Khi đã đạt đến trạng thái hiểu biết đó trong tâm thức và trái tim, bạn sẽ không bao giờ quay ngược trở lại.

Melvin McLeod: Thật đáng kính phục là tất cả dân tộc này đều thấm đẫm tinh thần đó.

Richard Gere: Tôi tin chắc rằng đó là lòng yêu nước. Rõ ràng là không có sự tách biệt giữa nhà thờ và chính quyền. Tôi tin rằng những vị chuyển luân thánh vương vĩ đại đã nỗ lực tạo ra một xã hội dựa trên những ý tưởng này. Những thể chế của họ là nhằm để tạo ra những con người tốt, tất cả mọi thứ trong xã hội đều làm cho nó tương ứng. Cái này đã bị sa sút, có những thời kỳ tốt đẹp và những giai đoạn tệ hại. Dù thế nào thì mục tiêu của xã hội là tạo ra những con người tốt, những bồ tát, nhằm hình thành một môi trường mạnh mẽ để ai cũng có thể đạt đến giác ngộ. Hãy tưởng tượng nếu điều này xảy ra ở Mỹ! Ý tôi là chúng ta không có phương tiện để đạt đến giác ngộ. Chúng ta thừa hưởng hai nền tảng Cơ đốc giáo và Do Thái mạnh mẽ, một dựa trên lòng từ bi và một trên lòng vị tha. Chúng ta có thể tạo ra những người tốt, nhưng không biết cách khuyến khích sự giác ngộ, giải phóng hoàn toàn.

Melvin McLeod: Nếu nhìn mức độ vi phạm nhân quyền ở trên thế giới, chẳng hạn Tây Tạng và Nam Phi, công việc của những người nổi tiếng như anh, biết khéo sử dụng danh tiếng là rất quan trọng.

Richard Gere: Tôi hy vọng điều đó đúng sự thật. Anh rất tử tế khi nói như vậy. Thật nực cười, trước đây tôi làm việc về vấn đề Trung Mỹ và một số vấn đề chính trị và nhân quyền khác, và hiểu thêm một chút khi làm việc với Quốc hội và Sở Bang. Nhưng cái đó chẳng áp dụng được gì trong tình huống này. Tây Tạng quá xa xôi và sự can thiệp của Mỹ ở đó rất hạn chế.

Tôi cũng cảm thấy vấn đề Ngài Đạt Lai Lạt Ma đấu tranh cho chính trị rất khó khăn. Phong trào bất bạo động bản thân đã khó – bạn không thể lấn ra hàng trước nếu không sử dụng bạo lực. Và Ngài thì không xem mình như Gandhi; Ngài không tạo ra những tình huống bi kịch hay quá khích.

Vậy là chúng tôi phải tiếp cận theo cách bình ổn hơn. Không thể gấp rút, mà chỉ còn cách xây dựng lòng tin, mỗi lúc một chút, và tôi cho rằng có thể nhờ đó mà nó sâu sắc hơn. Những thượng nghị sĩ, thành viên quốc hội và các nhà lập pháp đã hành xử vượt qua mức thông thường cho một sự nghiệp mà họ tin tưởng.

Tôi tin rằng tính phổ quát trong những lời Ngài nói và truyền dạy cho thấy đây là điều lớn lao hơn cả Tây Tạng. Khi Ngài được trao giải Nobel Hòa Bình, đã có bước nhảy vọt, Ngài không chỉ được xem là người Tây Tạng mà đã thuộc về cả thế giới. Chúng ta đã từng nói rằng máy quay phim đôi khi thu được những gì vượt hơn mắt thường có thể nhìn thấy – chỉ cần một tấm hình của Ngài đã nói với chúng ta rất nhiều. Chỉ cần nhìn khuôn mặt Ngài thôi. Khuôn mặt vừa hút người khác vào, vừa mở rộng ra với tất cả. Bạn có thể tưởng tượng như khi nhìn thấy Phật vậy. Chỉ cần nhìn tượng Ngài là bạn đã thanh cao lên nhiều rồi. Tôi nghĩ rằng điều chúng ta làm được nhiều là tạo ra những tình huống để Ngài đến với trái tim của càng nhiều người càng tốt, mà với bồ đề tâm hoàn hảo Ngài đã luôn làm được.

Tôi luôn nói trong quá trình đó Tây Tạng sẽ được chăm nom nhưng đây là vấn đề cứu sinh mạng từng chúng sinh, và chừng nào chúng ta còn để tâm đến điều này, Tây Tạng sẽ vẫn yên ổn. Dĩ nhiên có những vấn đề phải đối phó ngay ở Tây Tạng. Lúc nào chúng tôi cũng lo lắng về những việc đó. Mặc dù chúng ta có lý do để tin rằng truyền thông cởi mở với Trung Quốc sẽ tiến triển tốt hơn. Chuyến viếng thăm của Clinton đã không cho thấy sự khả quan đó. Thật ra, người Tây Tạng, cũng như những người Trung Quốc ủng hộ dân chủ đang trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuối những năm 80, sau sự kiện Quảng Trường Thiên An Môn.

Melvin McLeod: Tôi luôn ấn tượng với một nhận xét của Ngài Đạt Lai Lạt Ma, rất giống với nhận xét của Lão sư của tôi Chögyam Trungpa Rinpoche, có trong truyền thống Shambhala. Rằng nhu cầu cho một tôn giáo hoàn vũ dựa trên những chân lý đơn giản về bản chất của nhân sinh, vượt qua tất cả tôn giáo, hoặc không cần được chính thống hoá bởi bất kỳ tôn giáo nào. Đối với tôi đây là thông điệp hết sức quan trọng.

Richard Gere: Đúng vậy. Ngài luôn nói rằng chúng ta đều có bản chất từ bi và lòng tốt và tất cả tôn giáo đều coi trọng tình thương. Ai trong chúng ta cũng hướng đến tình thương yêu.

Melvin McLeod: Hơn thế nữa Ngài chỉ ra rằng có hàng tỉ người không thực hành một tôn giáo nào cả.

Richard Gere: Mà họ có tôn giáo của mình đó là lòng tốt. Mọi người đều cảm kích trước lòng tốt.

Melvin McLeod: Thật tuyệt vời là những nhà lãnh đạo tôn giáo lớn đều tán thành một tôn giáo không mang tính tôn giáo nào cả.

Richard Gere: Dĩ nhiên rồi, chính điều đó làm cho Ngài mang tầm vóc lớn hơn cả xứ Tây Tạng.

Melvin McLeod: Nó cũng làm cho Ngài mang tầm vóc lớn hơn cả Phật giáo.

Melvin McLeod: Anh cũng là nhà tài trợ cho một số dự án hoằng pháp và ủng hộ cho tự do của Tây Tạng.

Richard Gere: Tôi ở trong một vị trí khá đặc biệt nên trong ngân sách của tôi luôn có ít tiền mặt nên tôi có thể ủng hộ ngay một ít tiền cho một vài nhóm để khởi động các dự án. Tài trợ cho các dự án in sách Phật pháp đối với tôi rất quan trọng. Nhưng tôi nghĩ tài trợ cho các buổi giảng pháp còn quan trọng hơn. Tôi đã làm việc với Ngài Đạt Lai Lạt Ma để tài trợ cho các buổi giảng ở Mông-gô-li-a, Ấn Độ, Hoa Kỳ và bất kỳ nơi nào khác, tôi không thấy có niềm vui nào lớn hơn được làm việc này.

Mùa hè này chúng tôi sẽ có chương trình giảng pháp 4 ngày của Ngài Đạt La Lạt Ma tại Nữu Ước từ 12-14 tháng 08. Đây là buổi giảng chính thức về đề tài “Những giai đoạn bậc trung của Thiền định” và “37 phẩm trợ đạo của Bồ Tát”, sẽ diễn ra tại Nhà hát Beacon và sẽ có 3.000 vé. Tôi tin chắc vé sẽ sớm bán hết. Nếu người nào không đi nghe được thì sẽ có một buổi giảng miễn phí cho công chúng tại Central Park vào ngày 15. Tôi đoán sẽ có chỗ chứa cho 25.000 – 40.000 người nên ai muốn tham dự đều được. Ngài sẽ dạy Tám pháp luyện tâm, một bài giảng rất quan trọng, thật ra là phần tôi thích nhất. Rồi Ngài sẽ truyền pháp tâm ấn Quán Thế Âm.

Tôi đã từng chứng kiến Ngài dạy về bồ đề tâm và không ai mà không rơi lệ. Ngài chạm sâu đến trái tim người nghe. Năm ngoái Ngài giảng ở Bodh Gaya về “Tán thán Bồ đề tâm” của Lạt Ma Kunu, là Lão sư của Ngài. Chúng ta đều ở trong tim ngài, theo một cách đặc biệt nhất. Một nơi mà bạn chỉ có cảm nhận chứ không thể nghe và viết gì về nó. Phật đang hiện diện trong bạn. Tôi biết nhiều Lão sư dạy rất hay về trí tuệ, nhưng Ngài thật sự, thật sự có tâm bồ đề lớn lao, mở rộng vô biên. Vậy đó là lời những lời dạy mà Ngài sẽ cung cấp cho quý vị. Trái tim mọi người sẽ thổn thức.

Melvin McLeod và Richard Gere

Việt dịch: Hoa Chí

Nguồn: Hành trình đến với Phật giáo của diễn viên điện ảnh Richard Gere