CHIA SẺ

banner_1

Tâm là một công cụ vô cùng mạnh mẽ. Nhờ thiện tâm mà chúng ta làm những việc tốt và tâm cũng có thể sai khiến chúng ta làm điều ác. Chúng ta được dạy cần rèn luyện sức mạnh nội tâm để không do dự hay chùn bước trước khó khăn. Trải nghiệm sức mạnh nội tâm khi hoàn toàn tập trung vào mục tiêu đặt ra và hoàn thành mục tiêu đó. Ngược lại, khi không đạt được mục tiêu, chúng ta đổ lỗi cho sự yếu kém của tâm trí trong việc đương đầu với thử thách hay chỉ đơn giản trách rằng mình không đủ mạnh mẽ.

Tâm phàm tình là nô lệ cho những ham muốn. Điều này khá rõ ràng. Tâm cảm xúc đó không có bản chất thật, nó không có những phẩm chất riêng ngoại trừ tính mềm dẻo linh hoạt mà chúng ta có thể sử dụng đúng hoặc sai cách. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta được dạy cần rèn luyện để tâm cứng rắn hơn, trong khi thực tế tâm hoạt động hữu hiệu nhất khi cởi mở linh hoạt, sẵn sàng đón nhận và thu nạp những điều mới mẻ.

Chúng ta phải nhận ra rằng tâm phàm tình không có tự tính cố hữu. Nếu để nó ăn sâu bám rễ, chúng ta sẽ tự trói buộc mình trong những khuôn mẫu tư duy hạn hẹp. Chúng ta tự nhủ rằng mình chỉ có thể hạnh phúc khi có những điều kiện nhất định: thời tiết phải dễ chịu, không quá nóng hay quá lạnh, đồ ăn phải ngon, phải có nhiều trò giải trí vui vẻ v.v… Và khi các điều kiện thay đổi, tâm ta sẽ bất an hay bực bội.

Tâm tính chúng ta thay đổi tức thì. Khi đói, bạn cảm thấy cáu bẳn. Mới lúc nãy bạn cảm thấy vui sướng, mà giờ đây bỗng niềm vui đó tan biến. Bản ngã rất dễ bị chọc tức. Không chỉ vậy, nếu không kiểm soát, tâm bạn sẽ bám chấp vào thái độ bảo thủ và cứng nhắc.

Tuy nhiên, chúng ta có thể rèn luyện để tâm mình buông thư, từ đó dần bền bỉ, dẻo dai hơn trước ngoại cảnh và sự vô thường của đời sống. Điều đó không có nghĩa rằng chúng ta buông trôi vô định mà là thuận theo dòng chảy. Bạn có thể ngộ ra rằng mỗi người đều nhận thức và lý giải đời sống theo cách của riêng mình. Chẳng có điều gì là cố định, việc người khác có quan điểm không giống bạn là chuyện thường tình.

Ví dụ, bạn có thể thấy một người hay một vật rất đẹp. Đối với bạn, vẻ đẹp đó rất cuốn hút, nhưng người khác chưa chắc đã thấy như vậy. Thật ra tất cả đều là sự phóng chiếu của tâm và chẳng có lý gì tất cả chúng ta đều suy nghĩ giống nhau. Mỗi người tự tạo ra cách nhìn nhận khác nhau và chúng ta nên chấp nhận điều đó.

Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng khi nhận ra tâm không cố định và rất linh hoạt, bạn có thể điều phục tâm. Bạn có thể cảm thấy bất ổn khi nghĩ tâm không an định bởi chúng ta thường tìm kiếm trong cuộc sống những thứ cho ta cảm giác ổn định, bao gồm cả cách chúng ta tư duy. Nhưng xét dưới góc độ tích cực, tâm không dính mắc đồng nghĩa rằng tiềm năng của chúng ta là vô tận. Đó chính là sự tự do tối thượng, là chìa khóa mở cánh cửa giác ngộ, lòng từ bi và mọi cánh cửa khác.

Nhờ thiền tập, chúng ta có thể điều phục mà không cần phải trói buộc tâm. Chúng ta dùng sự chú tâm và tỉnh giác soi rọi, đồng thời để tâm trôi chảy tự nhiên, tự do dẫn dắt bạn. Bạn có thể thấy rõ ý nghĩa cuộc sống, điều gì truyền cảm hứng cho bạn, làm thế nào để đến đích và hôm nay bạn phải làm gì. Nó giống như một kho báu mà với sự hiểu biết và chấp nhận bản thân, bạn có thể mở cửa và khám phá bên trong.

Trong khi thiền định, chúng ta không nên cố gắng dập tắt hoặc né tránh dòng suy nghĩ của mình. Mặc dù tư tưởng chỉ là sự phóng chiếu thêu dệt và chúng ta muốn từng bước thấu hiểu tự tính tâm, nhưng rất khó để né tránh dòng tư tưởng hiện khởi trong tâm, và rồi bạn giả vờ tâm mình hoàn toàn rỗng lặng trong khi tâm đầy vọng tưởng. Tôi khuyên bạn cứ để dòng suy nghĩ đến rồi nhẹ nhàng tan biến. Đừng bám chấp vào suy nghĩ quá nhiều, hãy ghi nhận và để các suy nghĩ trôi qua.

Tâm của bạn giống như một đứa trẻ đang quấy khóc. Nếu biết đang được quan tâm chăm sóc, nó sẽ tự bình tĩnh. Hãy kiên nhẫn và rồi tâm bạn cũng vậy, cuối cùng những than phiền và đòi hỏi sẽ lắng xuống. Dòng suy nghĩ sẽ đến và sẽ đi, bất kể tích cực hay tiêu cực. Cứ để mặc các suy nghĩ, đừng quá bận tâm đến chúng. Dần dần, tâm bạn sẽ trở về trạng thái không vọng tưởng tạo tác, và bạn sẽ cảm thấy bình an.

Trái ngược với những gì chúng ta thường được khuyên bảo, hãy thử hướng tâm mình theo chiều ngược lại – đừng cố rèn cho nó cứng như thép mà hãy để nó mềm mượt như một đám mây, để nó thăng hoa và bạn có thể nhìn cuộc sống với tầm nhìn rộng lớn nhất – góc nhìn từ trên bầu trời cao. Đừng để tâm chấp ngã ăn sâu bám rễ.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Nguồn: Drukpa Việt Nam