CHIA SẺ

006-5-diani-buddha

Tất cả hình thức nghệ thuật được sáng tác từ các nguyên tố thô và vi tế. Không có cách nào để những người nghệ sĩ thể hiện mà lại thiếu đi các nguyên tố. Khi người ta sử dụng những cách biểu hiện như tính khí nóng nảy, lạnh lùng, khô khan, hay hoàn toàn ướt át, thì nó chỉ ra rằng họ đã kết nối một cách tự nhiên khí chất của nguyên tố vi tế với sự biểu hiện của nguyên tố thô. Nhưng những người nghệ sĩ cần phải vượt lên sự biểu hiện bề nổi của các nguyên tố trong một cách rõ ràng để đạt được thể nghiệm với các nguyên tố vi tế bên trong – cái là nguồn gốc của các nguyên tố thô bên ngoài. Và rồi họ có thể làm nghệ thuật phản ánh những gì con người cần.

Theo quan điểm thế gian thì những người nghệ sĩ không có mục tiêu tối hậu là vươn tới sự giác ngộ. Họ có mục đích tạm thời để nhận ra, để ngộ được những xúc cảm bên trong và rồi sau đó biểu lộ chúng ra bên ngoài. Những nghệ sĩ thông thường thể hiện, bộc lộ bản thân mình cho sự giao thiệp, danh tiếng hay quyền lực. Vì cảm thấy bị cô lập nên họ muốn kết nối với thế giới bên ngoài thông qua nghệ thuật cho lợi ích riêng của mình. Vì không được nối kết với một nguồn mạch vượt lên khỏi trí năng hay truyền thống của riêng mình nên họ không thể giải thích một cách sâu sa với những người khác về công việc của họ là gì. Họ chỉ làm nghệ thuật để trở thành bậc thầy trong việc kiểm soát, làm chủ chúng. Nếu họ không thể hiện, bộc lộ bản thân mình với một quan điểm trí tuệ thì kết cục sẽ luôn luôn là sự vô thường và suy giảm năng lượng – điều dẫn đến sự đau khổ.

Theo quan điểm Phật giáo, thì ý định của một người nghệ sĩ là lòng bi mẫn. Những người nghệ sĩ sáng tạo để tạo một đường liên kết với những chúng sinh khác thông qua các nguyên tố thanh tịnh bên trong họ, và rồi để chuyển hóa các nguyên tố thô bên ngoài họ trở thành sự giác ngộ nhờ vào phương tiện kết nối, câu thông. Trong hệ thống Tantric (Mật thừa), thì những người nghệ sĩ thể hiện phẩm chất năng lượng thanh tịnh của các nguyên tố bên trong ra bên ngoài bằng các hình ảnh và những bức tượng đại diện cho sắc tướng; bằng những lời dạy, bài ca, thơ văn và âm nhạc đại diện cho khẩu ngữ; bằng các vũ điệu đại diện cho các hoạt động; và bằng những hiện thể hài hòa vô hạn lượng đại diện cho tâm thức. Vì được kết nối với nguồn gốc của nó nên họ có thể luôn luôn giải thích được một cách sâu xa cho những người khác về những gì họ làm, và họ luôn là bậc thầy trong việc làm chủ nghệ thuật của mình. Nhờ những ý định của các bậc nghệ sĩ siêu phàm mà các nguyên tố thô bất tịnh bên ngoài được tịnh hóa vào các nguyên tố vi tế bên trong, và chúng được tái lập lại sự nối kết với các hiện tượng trí tuệ bên trong. Một cách tương đối và tạm thời thì điều này mang lại sự thỏa mãn, vì một ai đó nhận ra, chứng ngộ được những phẩm chất nội tại trong sự thể hiện bên ngoài của nghệ thuật. Một cách tối hậu và tận cùng thì điều này có sự giải thoát, vì thông qua sự tịnh hóa, mà vật chất của nghệ thuật phi bản chất được trở thành sự giác ngộ bản chất phi vật chất.

Tâm Trí Tuệ không thể nhìn thấy được trừ khi chúng ta có tuệ nhãn. Những màu sắc cơ bản tự nhiên thì không thể nhìn thấy được, mà chúng ẩn tàng, tiềm ẩn tỏa khắp mọi nơi chốn và luôn luôn chuyển động. Nhờ sự chuyển động này mà các nguyên tố khác nhau được nối kết và trở thành sắc tướng hữu hình cùng màu sắc. Những màu gốc là xanh dương, trắng, đỏ, vàng và xanh lục. Cũng giống như mỗi nguyên tố lại dung chứa tất cả những nguyên tố khác, thì màu sắc cũng vậy, mỗi màu sắc lại dung chứa tất cả những màu sắc khác. Vì vậy, mỗi một màu sắc gốc lại có 5 nhánh màu tùy thuộc vào sự thay đổi, biến thiên của các hoàn cảnh cùng sự nối kết bổ sung, phụ trợ của các nguyên tố. Khi nối kết và thay đổi thì chúng tạo ra vô số những nhánh màu sắc mới thanh tịnh, cho tới khi chúng trở thành thật thật vi tế đến mức khó để có thể nhận ra được bởi vì chúng đã thành những cái quá xa với màu sắc gốc. Mắt thường thì không thể nhìn thấy ánh sáng tự nhiên, vì thế theo quan điểm thông thường thì những màu sắc thuần khiết một cách vốn sẵn này dường như là cũ kĩ, nhạt nhòa và bị suy giảm. Nhưng tuệ nhãn lại nhận ra những màu sắc gốc khởi nguyên tự nhiên, và nhờ sự kết nối này với những hoàn cảnh gốc, nó sẽ làm gia tăng các hiện tượng thanh tịnh một cách tự nhiên với những hoàn cảnh phụ trợ.

Khi những người nghệ sĩ bình phàm ý thức tất cả những sắc màu này đang dần dần trở nên ngày càng nhạt nhòa hơn cho tới khi chúng xuất hiện như là bị cạn kiệt, thì trí tưởng tượng cùng khả năng sáng tạo của họ cũng trở nên cạn kiệt. Vì không tin vào bản chất, tinh túy vô hình bên trong của sắc tướng và màu sắc nên họ cần phải quay trở lại các hiện tượng thô bên ngoài để có thể nhìn thấy nguồn ý tưởng cho mình. Nhưng vì chỉ dựa vào sắc tướng và hình ảnh nguyên tố thô bất di bất dịch, thiếu sự nhu nhuyễn, linh động nên tâm thức của họ cũng trở nên chai cứng và bị giới hạn. Những ý niệm của họ bị mơ hồ nên họ không thể tạo ra không gian bao la, mênh mông trong nghệ thuật của mình và nó trở nên thiếu sinh động, chật hẹp và bế tắc. Những bậc nghệ sĩ siêu phàm thì lại khác, vì họ đã chứng ngộ, nhận ra bản chất, tinh túy thanh tịnh vô hình của các nguyên tố nên họ hiểu rằng màu sắc gốc tự nhiên thì luôn luôn không bị suy giảm, và họ có thể làm cho sắc tướng và màu sắc được sinh động, tươi mới từ cái vô hình lặp đi lặp lại nhiều lần trong nghệ thuật của họ. Vì có tâm thức bao la, mênh mông phi chướng ngại nên họ hiểu cách làm thế nào để tạo ra không gian bao la, mênh mông trong nghệ thuật của mình, và họ có thể tạo ra bất kỳ hiện tượng nào.

Trong cách này, nếu những người nghệ sĩ nhận ra, chứng ngộ được nguồn của những ý niệm, thì khi họ thể hiện, biểu lộ chúng, sự nối kết giữa ý niệm và nguồn gốc của nó sẽ không bị gián đoạn, và như vậy nó sẽ chói sáng, nhẹ nhàng, tươi mới và thuần khiết. Vì dòng truyền thừa của các nghệ sĩ thì dựa vào ý niệm, mà ý niệm lại dựa vào các nguyên tố nên nhờ việc thấu hiểu nguồn gốc của ý niệm mà những người nghệ sĩ có thể hiểu được bản chất của màu sắc. Ví dụ, nếu các nghệ sĩ hiểu được ý niệm của giận dữ thì họ biết rằng nguồn gốc của nó là hỏa đại và nó có thể được thể hiện thông qua màu đỏ.

Nếu họ hiểu được tham dục, ham muốn, đam mê hay sự căng thẳng, bồn chồn thì họ biết rằng nguồn gốc của nó là thủy đại hoặc phong đại, và chúng có thể được thể hiện thông qua sự chuyển động. Nếu sự chuyển động này là thất vọng hay buồn chán thì màu sắc thích hợp của nó là xanh dương hay xanh lục; còn nếu sự chuyển động này là hưng phấn, hân hoan thì màu sắc của nó là trong sáng và rõ ràng. Nếu họ hiểu được tâm lãnh đạm hay thờ ơ, mù mịt thì họ biết rằng nguồn gốc của nó là địa đại, và nó có thể biểu thị những phẩm chất điềm tĩnh, vô tri vô giác hay độn căn hoặc nặng nề trong một người thông qua màu vàng nhạt. Màu sắc của mỗi nguyên tố (đại) tùy thuộc vào sự cân bằng của các nguyên tố khác hiện hữu một cách khó nhận thấy ở bên trong chính nó. Ví dụ, đất trồng mà có các nguyên tố được bổ sung đầy đủ, và nó không cần phải dựa vào phân bón cho sự tơi xốp, khỏe mạnh của mình thì nó thường là màu đỏ thẫm.

Nếu các nghệ sĩ không ý thức được những âm thanh, màu sắc cùng sự chuyển động thanh tịnh của các nguyên tố vi tế thanh nhẹ vốn sẵn trong các nguyên tố thô bên ngoài, thì họ không thể nắm bắt được bản chất, tinh túy của bất kể điều gì họ muốn mô tả hay truyền đạt. Nhưng nếu chỉ tin vào cái hữu hình và chối bỏ cái vô hình, thì họ sẽ không thể nào thể hiện được sự sống tinh yếu có nguồn gốc nằm bên trong ánh sáng vô hình, và rồi nghệ thuật của họ sẽ đơn điệu và vô hồn vô cảm.

Với những bậc nghệ sĩ siêu phàm, giống như bậc tưởng tượng siêu việt, họ thấy các hiện tượng từ quan điểm siêu phàm của chân lý tương đối thực sự, họ thấy chân lý tương đối này không chia tách cái vi tế khỏi cái thô tháo hay cái vô hình khỏi cái hữu hình. Người nghệ sĩ giống như người quan sát, tưởng tượng, chỉ khác là người nghệ sĩ thì sử dụng phương tiện vật chất để làm cho cái vô hình trở nên dễ nhận thấy, còn người quan sát, tưởng tượng thì sử dụng phương tiện vi tế để làm cho cái vô hình trở nên dễ nhận thấy. Mục đích của cả hai đều nhằm chạm tới cái vô hình nhờ cái hữu hình.

Nếu các nghệ sĩ muốn mô tả ai đó thì trước tiên họ cần phải khảo sát các nguyên tố hữu hình thô của hình ảnh đó trước, để rồi sau đó họ sẽ biểu lộ các nguyên tố vi tế vô hình từ chủ thể của mình. Với sự xác tín đến từ thể nghiệm của nguyên tố vi tế, những bậc nghệ sĩ siêu phàm có thể hiểu được các nguyên tố thô và nô đùa, vui chơi một cách tự nhiên. Họ không cần đánh giá, phán xét giữa chân lý và ảo mộng, bởi vì từ quan điểm siêu phàm của chân lý tương đối thực sự thì sự ảo mộng phi chất thể vi tế và thực tại có chất thể thô đang hiện hữu bên trong tâm thức bị lừa dối, và cả hai đều là không thực và giả ảo như nhau. Do đó, những người nghệ sĩ không cần phải lo lắng rằng liệu cái họ đang thể hiện là thật hay không thật nữa. Nếu họ chỉ mô tả mọi thứ như là nghệ thuật thì nó sẽ hoàn toàn phù hợp được ở nơi nào đó.

Trong truyền thống Phật giáo, thì nghệ thuật có thể được thể hiện để diễn tả cái xấu cũng như cái đẹp, sự tĩnh tại cũng như sự náo động. Những bậc nghệ sĩ siêu phàm nhận ra được những nhu cầu của những chúng sinh khác, từ đó, họ có thể kết hợp các nguyên tố náo động hay tĩnh tại để đạt tới một kết quả thích hợp, ứng với những hoàn cảnh. Nếu sự phiền não, chán chường được gây ra bởi sự phấn khích được cần đến, thì bậc nghệ sĩ siêu phàm có thể tạo ra nỗi buồn và những điều xấu để làm giảm bớt sự phấn khích. Những hình ảnh diễn tả những khía cạnh buồn chán và xấu xí của sự hiện hữu minh chứng cho sự nhàm mỏi, chán chường của vòng luân hồi sinh tử.

Chúng mang thông điệp giống như một lời cảnh báo bi mẫn, giống như một cơn thịnh nộ có mục đích bảo vệ con cái của những bậc cha mẹ, chúng giúp chúng ta nhận ra và đẩy lui dạng thức tái sinh có kết quả từ những ý định xấu như giận dữ hay thù ghét. Nếu sự phấn khích được gây ra bởi sự phiền não và chán chường được cần đến, thì bậc nghệ sĩ siêu phàm có thể tạo ra những điều thoải mái, dễ chịu và đẹp đẽ. Những hình ảnh tươi đẹp được tạo ra để giúp cho những thói quen tốt, giúp xóa bỏ đi những ý định tiêu cực trong con người nhờ vào việc nhận ra sự hoàn thiện, viên mãn.

Theo hệ thống Mật thừa (Tantric) thì có vô số những hiện thể có thể được bao gồm trong hai phương diện: an bình (hiền minh) và phẫn nộ. Những hiện thể này có nguồn gốc từ Pháp thân hay hư không sáng tỏ.

Theo Tâm Trí Tuệ thì phương diện an bình (hiền minh) được sinh khởi từ bản tánh phi chướng ngại vốn sẵn trong bản chất quang minh của thủy đại và địa đại thuần khiết, những thứ vốn bất khả phân từ khởi thủy. Bản chất trí tuệ thuần khiết này có đặc tính rộng mở vô biên và phi chướng ngại.

Từ quan điểm của tâm thức bình phàm thì cả địa đại và thủy đại đều có những đặc tính hữu hình và có thể xúc chạm, sờ nắm được, và những đặc tính này là biểu trưng sắc thái cho phương diện thô của nó. Tuy vậy, chúng vẫn bị thâm nhập và tỏa khắp bởi những đặc tính vô biên phi chướng ngại của hư không. Bản tánh của sắc tướng bình phàm là sự vô thường. Khi các nguyên tố thô suy giảm và hình dạng, sắc tướng của chúng bị mục nát, hư hoại và phân rã thì kết cục luôn luôn là sự đau khổ. Nhờ chuyển hóa các nguyên tố thô bên ngoài vào bản chất, tinh túy quang minh thanh tịnh bất hoại của chính chúng mà đau khổ được loại trừ. Điều này có thể được nghiên cứu, học hỏi nhờ sự thực hành đồng hóa hình ảnh, sắc tướng quen thuộc của những hình ảnh thô bên ngoài được ý thức nhờ các giác quan, và chỉ giữ lại tinh túy, bản chất ánh sáng thanh nhẹ của chúng trong tâm thức. Nhờ sự thực hành này, sắc tướng thô được chuyển hóa, được tịnh hóa vào ánh sáng theo chiều hướng tăng dần, rồi trở nên giống như các hiện tượng của vị Bổn Tôn.

Sắc tướng được biểu đạt bởi bậc nghệ sĩ Mật giáo trong những đặc tính đẹp đẽ của đối tượng khao khát. Những đặc tính này mang hình tượng biểu trưng cho vị bổn tôn an bình lôi cuốn đại diện cho những gì chúng sinh khao khát được chạm tới bằng sự nắm giữ. Trong vòng luân hồi sinh tử thì điều này là mang lại kết quả trong lạc thú tầm thường của tham dục, của ham muốn – điều luôn là nguyên nhân cho sự đau khổ do bản tính vô thường và dễ đổ vỡ của nó. Nhưng khi đối tượng khao khát được tịnh hóa, được chuyển hóa từ vật chất thành bản chất ánh sáng không thể xúc chạm của các nguyên tố vi tế thì sự khao khát, ham muốn và dục vọng lại trở thành cái vô dục, phi khao khát và phi ham muốn. Theo cách này, thì từ lòng bi mẫn mà bậc nghệ sĩ đã hiển lộ con đường đi tới cực lạc vô dục siêu vượt lên khỏi sự hủy diệt, hư hoại cùng nỗi khổ đau của vòng luân hồi sinh tử.

Theo Tâm Trí Tuệ thì phương diện phẫn nộ được sinh khởi từ bản tánh phi chướng ngại vốn sẵn từ bản chất quang minh của hỏa đại và phong đại thuần khiết, những điều vốn bất khả phân từ khởi thủy. Bản chất trí tuệ thuần khiết này có đặc tính của sự biểu lộ sáng tỏ phi chướng ngại không cần dụng công, đó là đặc tính của âm thanh thuần tịnh có bản chất là sự hài hòa, chói sáng và thanh nhẹ.

Từ quan điểm của tâm thức bình phàm thì cả hỏa đại và phong đại đều có những đặc tính biểu trưng cho âm thanh trong phương diện thô của nó. Tuy vậy, chúng vẫn bị thâm nhập và tỏa khắp bởi những đặc tính phi chướng ngại, không thể xúc chạm của âm thanh thuần tịnh. Bản tính của âm thanh bình phàm là sự vô thường, và vì vô thường nên nó có khuynh hướng hư hoại và dẫn đến đau khổ.

Thông thường thì cái đối trị cho sự phẫn nộ là sự an bình giống như cái đối trị cho lửa là nước vậy. Nhưng đôi khi có những chúng sinh ngang ngược, hung dữ không thể được tịnh hóa nhờ các sắc tướng an bình, hiền minh và do vậy, phải cần đến những sắc tướng phẫn nộ, cũng giống như sắt chỉ có thể bị bẻ gãy bởi một kim loại rắn hơn nó như thép chẳng hạn. Bậc nghệ sĩ Mật thừa có thể mang đến một phương cách đối trị với những chúng sinh này nhờ sự biểu hiện những phẩm tính phi chướng ngại trong các sắc tướng hình ảnh, âm thanh và hành năng phẫn nộ. Sự giận dữ dựa trên ác cảm và thù ghét phát sinh một cách tự động để đáp ứng với những sắc tướng, hình dạng không mấy dễ chịu, lôi cuốn của nghệ thuật phẫn nộ. Sự phẫn nộ được liên hệ tới hỏa đại với bản chất, tinh túy của nó là sự sáng tỏ, rõ ràng và thông suốt. Sự thông tỏ này có thể đốt cháy các hiện tượng náo động, hỗn loạn bất tịnh, giống như mớ ý niệm hỗn độn như một rừng cây rậm rạp, um tùm, rồi đưa chúng vào hỏa đại cùng phong đại trí tuệ thanh tịnh – những điều vốn bất khả phân và là sự hiển lộ trí tuệ thông suốt, sáng tỏ.

Theo giáo lý Đại Thừa thì nghệ thuật siêu phàm gỡ bỏ đi những chướng ngại, rào cản nhờ sự phá vỡ những truyền thống luân hồi sinh tử trì trệ, lỗi thời nhằm kiến tạo không gian phi truyền thống của các vị bổn tôn phi chướng ngại thông qua truyền thống thanh tịnh. Theo cách này, nó tạo ra vô số phẩm tánh hiện hữu phản chiếu một cách rõ ràng không gian bao la bất tận của chư Phật.

Những bậc nghệ sĩ siêu phàm luôn luôn truyền năng lượng tới những người khác thông qua nghệ thuật của mình. Khi chết, họ không để lại nghệ thuật vật chất trì trệ thông thường như một thứ gì đó vô tri vô giác còn sót lại, mà năng lực tâm linh thanh tịnh của họ vẫn sống trong nghệ thuật của họ vì lợi ích cho những người khác. Thậm chí, ngay cả một chi tiết như nước hay một cái cây được tạo ra bởi một bậc nghệ sĩ siêu phàm cũng có thể giúp đỡ cũng như ban phước cho những người nào ý thức và biết tới nó. Đó là những gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni muốn nhắc tới khi Ngài nói: “Ta lưu xuất ra vô số thân tướng khác nhau vì lợi ích của tất cả chúng sinh”. Vì vậy, một cách tối hậu và tận cùng thì chúng ta không thể đánh giá hay nhận xét ai là người nghệ sĩ vĩ đại nhất. Mà bất kỳ ai truyền năng lượng tới những người khác thông qua nghệ thuật của mình thì đó là một người nghệ sĩ vĩ đại.

Một cách cơ bản thì cấu trúc hệ thống của người nghệ sĩ là giống nhau, dù đó là bậc nghệ sĩ siêu phàm hay người nghệ sĩ bình phàm. Nghệ thuật đến từ các nguyên tố bên trong và sau đó được biểu hiện ra bên ngoài, và rồi từ bên ngoài đó lại được tiếp tục hấp thụ trở lại lần nữa vào bên trong nội tâm, để rồi tiếp tục để lại gia tăng ra bên ngoài lần nữa và cứ thế, cứ thế, chúng tiếp tục trong một vòng tròn chu kỳ bất tận. Sự khác biệt giữa bậc nghệ sĩ siêu phàm và bình phàm thì nằm trong quan điểm.

Với những người có quan điểm bình phàm thì vòng tròn chu kỳ bất tận là vòng tròn luẩn quẩn đau khổ của sinh tử luân hồi. Còn với những bậc nghệ sĩ có quan điểm trí tuệ siêu phàm thì năng lượng ánh sáng tâm linh thanh tịnh chuyển động trong một vòng tròn chu kỳ trí tuệ vô tận – điều họ nhận thức là một mạn đà la của bổn tôn. Nó là sự vô tận, không bao giờ vơi cạn, chưa từng bao giờ bị mắc bẫy và chưa từng bao giờ bị che chướng. Vì năng lượng là thanh tịnh và thuần khiết nên bất kể phương diện hay khía cạnh nào được lưu xuất, hóa hiện ra đều luôn luôn là sự sáng tỏ, sự rõ ràng. Nó là sự vô tận bởi vì vòng tròn sinh và tử của chúng sinh thì không bao giờ kết thúc chỉ cho tới khi tất cả đều cùng được giác ngộ.

Những điều khủng khiếp bất tận của luân hồi sinh tử

Những điều tuyệt diệu vô tận của niết bàn cực lạc

Được tô vẽ bởi tâm.

Vì vậy tâm là người nghệ sĩ vĩ đại nhất,

Vẽ vời những chân lý tương đối khác nhau đa dạng,

Với cây bút cọ của ý niệm.

Nếu chúng ta không bị lừa dối

Bởi những màu sắc đa dạng của những nguyên tố tự nhiên khác nhau

Khi chúng xuất hiện trên tấm gương tâm thức phi chướng ngại,

Thì tự nhiên luôn là không gian sáng tỏ, trong sáng,

Và không hề có sự mơ hồ, nhầm lẫn.

Những hiện tượng khác nhau – Một hoàng tử trẻ trung

Đã phối kết với tánh không bất khả xâm phạm – Một công chúa dịu dàng, bí ẩn,

Từ sự hợp nhất hỷ lạc bất khả phân của họ,

Mà nhiều thế hệ hiện tượng vạn pháp được gia tăng

Trong một sự phô diễn, hiển bày liên tục, không ngừng dứt,

Vì sự an ủi, xoa dịu những thần dân đáng thương nhỏ bé của mình.

Dungse Thinley Norbu Rinpoche

Việt dịch: Liên Hoa Pháp Hội – Hà Nội (Hàng Bài), Ninh Bình, Bắc Ninh

Trích Việt ngữ: Vũ điệu huyền diệu – Sự hiển lộ tự tánh của Ngũ trí Dakini

Trích Anh ngữ: Magic dance the display of the self – Nature of the five wisdom Dakinis