CHIA SẺ

buong-xa

Trong công việc và sinh hoạt thường ngày, có thể bạn không ưa một người nào đó trong số những đồng nghiệp hay người xung quanh mình. Vấn đề ở đây là dù không ưa, bạn vẫn phải gặp gỡ, chuyện trò, trao đổi công việc… vì họ hiện hữu hằng ngày ngay bên cạnh bạn. Cảm giác không ưa một người nào đó bám vào người bạn như một thứ nhựa nhớp nháp, vừa khó chịu lại vừa châm chích. Nó thâm nhập vào tâm trí bạn như một cơn lũ quét, nhấn chìm bạn xuống đáy cùng, bóp nghẹt cả tâm hồn và thể xác. Không ưa một ai đó cũng giống như bạn đốt rụi cả ngôi nhà của mình chỉ để diệt lũ chuột gây rắc rối. Vấn đề là hầu hết chúng ta đều ý thức được điều này. Nhưng thật không may, rất nhiều người lại lãng phí vô số thời gian vào việc ghét bỏ người khác. Hóa giải lòng thù ghét quả thật là việc không hề đơn giản. Chúng ta đã cố gắng đấy chứ! Thế nhưng những suy nghĩ tiêu cực vẫn chi phối tâm trí.

Chúng ta thù ghét người khác vì mắc kẹt trong xúc tình tiêu cực

Tất cả chúng ta đều sống trên một hòn đảo xã hội, bị mắc kẹt ở đó với một số lượng người hữu hạn xung quanh ta. Trên thế giới có tới gần 6 tỷ người, bạn hãy thử làm một phép tính đơn giản xem trong cuộc đời bạn sẽ gặp bao nhiêu người trong số đó? Một phép thống kê thú vị cho thấy con số này trung bình là 10.000 người. Trên hòn đảo của chúng ta, gia đình, vợ chồng, họ hàng, bạn bè và đồng nghiệp có lẽ là những người gần gũi nhất. Rồi mới đến những người quen còn lại và những người xa lạ.

Tuy nhiên ở đây có một vấn đề nhỏ. Mắc kẹt trên hòn đảo này đồng nghĩa với việc trong cuộc sống, chắc chắn bạn sẽ gặp phải những người mà bạn không ưa nhưng không thể tránh khỏi. Khi bạn không ưa một ai đó, phản ứng tự nhiên là kháng cự lại. Khi kháng cự, ban đầu chúng ta tìm cách né tránh. Nhưng dần dần phản ứng kháng cự cứ ngày một tích tụ lại, cho đến khi sinh ra ngọn lửa thiêu đốt tâm hồn ta.

Phương pháp 1: Cứ đơn giản ngừng lại

Trong kinh Đế Thích Sở Vấn, Đức Phật chỉ dạy rằng mọi việc đều chia làm hai loại: nên hành và không nên hành. Nói cách khác, có những ý nghĩ mà một người khôn ngoan nên theo đuổi, và có những ý nghĩ khác mà người ấy cần dừng lại ngay lập tức. Điều này có nghĩa là gì?

Hãy hình dung quá trình mà chúng ta thù ghét một người. Đầu tiên, ta phát hiện, trải nghiệm một điều ta không ưa về người đó. Tiếp theo, ta tiếp tục nghĩ về điều ấy cho đến khi cảm giác không ưa mạnh hơn một chút. Cuối cùng, bạn sẽ quên đi mọi thứ và tiếp tục sống như thường.

Thế rồi một chuyện khác xảy ra cũng liên quan tới người đó, khiến cho bạn càng khó chịu hơn nữa. Bạn lại tiếp tục những suy nghĩ lúc trước. Đôi khi, chúng ta suy nghĩ về một vấn đề suốt hàng giờ, đôi khi là hàng ngày trời. Chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi bạn thực sự căm ghét một người.

Vậy nếu bạn có thể chặn dứt điểm những ý nghĩ tiêu cực khi chúng mới hình thành thì sao? Bạn sẽ ngừng chúng lại trước khi chúng trở nên trầm trọng hơn, gay gắt hơn. Nói cách khác, bạn sẽ buông bỏ chúng. Nếu có thể thực hiện điều này, bạn sẽ thấy rằng trên thế giới này chẳng có mấy chuyện đủ sức nhấn chìm tâm trí bạn trong sự tiêu cực.

Đây là việc khó, nhưng không phải là không thực hiện được. Nếu bạn là người có bề dày kinh nghiệm hành thiền thì việc này sẽ khá dễ dàng với bạn. Bởi những người tập thiền, đặc biệt là những ai mới bắt đầu, đều dành hầu hết thời gian để luyện tập việc này: liên tục cố gắng đưa tâm tưởng trở lại chủ đề thiền định.

Phương pháp 2: Cảm thông và tha thứ

Bạn đang trên đường đi mua sắm thì có một người tiến đến phía bạn. Bất chợt, người đó bắt đầu la hét buộc tội bạn một cách vô cớ. Ban đầu bạn mặc kệ người đó nhưng anh ta chẳng vì thế mà dừng lại. Anh ta hoàn toàn có ý định khiến cho bạn vô cùng khó chịu. Trước sự việc xấu hổ và những lời buộc tội, bạn trở nên bực bội và ngày càng tức giận.

Bạn không muốn cãi nhau giữa đường nên bạn kiên nhẫn đi tiếp đến cửa hàng. Khi đến gần cửa hàng, người đàn ông đó im lặng và biến mất giữa con phố. Trong cửa hàng, bạn thuật lại sự việc này với bạn của mình là người quản lý cửa hàng. Và anh ta kể cho bạn một câu chuyện bất ngờ.

Quản lý cửa hàng quen biết người đó. Anh ta từng là một người tốt với cuộc sống tử tế, cho đến khi số phận nghiệt ngã giáng xuống. Trước đây không lâu, đứa con duy nhất của anh ta đã qua đời sau nhiều tháng vật lộn với bệnh ung thư. Quá đau buồn trước mất mát ấy, cách đây hai tuần, vợ anh ta đã tự tử. Anh ta đã dành trọn gần như toàn bộ tài sản tích cóp được để cứu chữa cho con và giờ đây thực sự chẳng còn một mái nhà để về. Trải qua bao nhiêu tai họa, tâm trí anh ta đã không còn được bình thường. Ai cũng biết anh ta rất hay gây ra những sự việc như thế này giữa đường. Sau khi lắng nghe câu chuyện này liệu bạn có còn tức giận với người đó không?

Nếu bạn cũng như hầu hết mọi người, sau khi biết được người đàn ông tội nghiệp này đã phải trải qua những chuyện gì, bạn sẽ thật lòng thông cảm cho hoàn cảnh của anh ta và tha thứ cho những gì anh ta đã làm. Khi thông cảm cho người đó, bạn sẽ sinh ra lòng trắc ẩn.

Hãy tưởng tượng sự việc đó lại tái diễn giữa đường. Lần này bạn sẽ không nổi cáu hoặc ít nhất sẽ ít cảm thấy khó chịu hơn. Điều này cho thấy rõ ràng là khả năng thông cảm với hoàn cảnh của người đó đã tạo nên sự khác biệt.

Chúng ta thường thù ghét người khác bởi vì ta không biết rõ họ; và ta sẽ không biết rõ họ bởi vì ta thù ghét họ. Vậy hãy phá vỡ vòng luẩn quẩn ấy, thông cảm với hoàn cảnh của họ và bạn sẽ cảm thấy đỡ khó chịu hơn trước hành động của họ. Hãy cố gắng hiểu cho người khác. Nếu thấu hiểu lẫn nhau, chúng ta sẽ đối xử tử tế với nhau, chẳng thể oán ghét mà gần như luôn luôn có thể yêu thương và cảm thông cho họ.

Drukpa Việt Nam

Nguồn: Bài học giúp bạn buông xả cảm giác ghét một người